Theo cơ quan thú y huyện Định Hóa, thời điểm này, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, khí hậu thay đổi đột ngột khiến cho sức đề kháng của vật nuôi bị giảm sút. Mặt khác, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh trên đàn vật nuôi phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, huyện Định Hóa vẫn chưa thể triển khai công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm do địa phương chưa nhận được nguồn vắc-xin cung ứng từ Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh theo kế hoạch.
Theo báo cáo của UBND xã Linh Thông, đầu tháng 3 vừa qua, trên địa bàn xóm Bản Mới có 1 con chó bị mắc bệnh dại khiến người dân lo lắng. Bà Ma Thị Loan, xóm Bản Mới cho biết: “Rất may con chó chưa cắn ai thì đã bị người dân đánh chết. Hiện đang là mùa dại chó, trong khi toàn bộ đàn chó của địa phương đều chưa được tiêm phòng, hầu hết lại thả rông nên tôi rất sợ mỗi khi đi ra đường”. Trước đó, cũng tại xã Linh Thông, vào thời điểm Tết Nguyên đán đã xuất hiện một ổ dịch lở mồm long móng khiến cho 25 con trâu, bò trên địa bàn xã bị mắc bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Viết Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thông cho biết: Linh Thông có đàn gia súc lớn nhất huyện với trên 800 con trâu, bò; 210 con dê; 1.750 con lợn và trên 30.000 con gia cầm. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, xã đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin từ ngày 20-3 đến ngày 20-4. Theo quy định, Linh Thông là xã vùng cao thuộc diện được tỉnh hỗ trợ 100% vắc-xin tiêm phòng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã vẫn chưa nhận được nguồn vắc-xin cấp phát nên chưa thể triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo đúng kế hoạch.
Tình trạng vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin không chỉ xảy ra ở riêng xã Linh Thông mà còn là thực trạng chung của các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện Định Hóa. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 10.500 con trâu, bò; 39.000 con lợn và trên 750.000 con gia cầm… Việc toàn bộ đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc-xin khi bước vào mùa cao điểm dịch bệnh đã và đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Triệu Xuân Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa cho biết: Theo kế hoạch ban đầu, toàn huyện sẽ triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2020 cho đàn vật nuôi từ ngày 20-3 đến ngày 20-4 với 50.000 liều vắc-xin cúm gia cầm; 10.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò; 15.000 liều vắc-xin lở mồm long móng; 16.000 liều vắcxin dịch tả lợn; 12.000 liều vắc-xin tụ dấu lợn và 10.000 liều vắc-xin phòng dại chó. Tuy nhiên, đến nay, huyện chưa nhận được nguồn vắcxin cung ứng nên kế hoạch tiêm phòng chưa thể thực hiện được. Do toàn bộ đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng nên nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trên địa bàn huyện có thể xảy bất cứ lúc nào. Ông Việt cũng cho biết thêm: Trong thời gian chờ cung ứng các loại vắc-xin, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, cơ quan Thú y của huyện đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi; đồng thời, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của đàn vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh hoặc ốm chết cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đem thực tế nêu trên phản ánh với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Mai Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh cho chúng tôi biết: Sở dĩ việc cấp phát vắc-xin bị chậm là do đơn vị tiếp nhận nguồn kinh phí chậm. Hiện nay, Chi cục đang thực hiện thủ tục đấu thầu các loại vắc-xin, hóa chất theo quy định. Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục, Chi cục sẽ tiến hành cung ứng vắc-xin cho các địa phương. Chậm nhất là ngày 15/4/2020 các địa phương sẽ nhận được đầy đủ những loại vắc-xin đã đăng ký.