Đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng khai thác khoáng sản

09:54, 10/04/2020

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều hộ dân sinh sống ở gần khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản luôn canh cánh nỗ lo bởi nguy cơ sạt lở, sụt lún trong mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền và đơn vị khai thác mỏ đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra…

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những đóng góp tích cực thì vấn đề ô nhiễm môi trường, sụt lún, sạt lở do hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là ở khu vực bãi thải, bể bùn thải vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân quanh khu vực. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những nơi có nguy cơ bị sạt lở bởi khai thác khoảng sản chủ yếu tập trung ở các khu vực, như: Bãi đổ thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) ở xã Phục Linh (Đại Từ); bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa tại xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên); Mỏ than Yên Phước của Công ty CP Yên Phước tại xã Na Mao (Đại Từ); khu vực khai thác quặng sắt Trại Cau ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); bể chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ tại xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên)…

Anh Vi Văn Toàn, ở xóm Ao Soi, xã Na Mao cho biết: Từ khi Mỏ than Yên Phước đi vào hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân chúng tôi. Trong vòng 2 năm gần đây, người dân trong xóm phải chịu 2 vụ đất đá thải của mỏ than tràn vào ruộng và 1 vụ sụt lún, sạt lở tại khu vực chân bãi đổ thải làm nhiều cây cối, hoa màu bị hư hỏng. Đặc biệt, trong xóm có gần chục nhà dân nằm dưới chân núi nên chúng tôi rất lo lắng… Còn ông Trần Văn Dương, Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác Mỏ than Yên Phước thì cho biết: Sau 2 sự cố tràn đất thải vào đất nông nghiệp, chúng tôi đã thực hiện đền bù cho người dân. Đồng thời, Công ty đã đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch để mở rộng bãi đổ thải, khi bãi thải được mở rộng thì sẽ không còn tình trạng trên…

Cũng trong tâm trạng lo lắng bởi nguy cơ sạt lở, nhất là khi bãi thải số 3 của Mỏ than Phấn Mễ xuất hiện tình trạng sạt trượt, 7 hộ dân, với 21 nhân khẩu ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh (Đại Từ) đã được cơ quan chức năng và Mỏ hỗ trợ di dời tạm thời vào ban đêm, ông Nguyễn Duy Khải, Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ cho biết: Hiện nay, ngoài việc dừng đổ thải, hỗ trợ người dân di dời tạm thời vào ban đêm, Mỏ đang phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê tài sản của hơn 10 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn khi có kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của bãi đổ thải.

Đối với tình trạng sụt lún, nứt nhà, mất nước của gần 130 hộ dân ở thị trấn Trại Cau do quá trình khai thác quặng tầng sâu của Mỏ sắt Trại Cau, hiện, Mỏ cũng đã có kế hoạch dừng khai thác từ ngày 30-4 để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị chủ quản) đang phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án hỗ trợ những hộ bị ảnh hưởng.

Còn tại khu vực bể chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do nằm ở vị trí cao hơn so với những hộ dân sinh sống trong khu vực. Để khắc phục tình trạng trên, Mỏ sắt Tiến Bộ đã gia cố toàn bộ thân đập. Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó Giám đốc kỹ thuật Mỏ sắt Tiến Bộ cho biết: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho bể chứa bùn thải. Vừa qua, Mỏ đã rà soát, đánh giá mức độ an toàn của bể thải tại Khu vực Bàn Cờ, xã Linh Sơn. Đồng thời, mở rộng chân đập rộng từ 50 đến 60m, bề mặt cao trình thân đập từ 20 đến 30m, đất đá tại thân đập được lu lèn đảm bảo theo đúng kĩ thuật. Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bố trí trực 24/24 trong thời điểm mưa lũ.