Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, thúc đẩy sản xuất, vượt qua những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, một số giải pháp đã được đề xuất.
Theo báo cáo của Hiệp hội DN tỉnh, trong 3 tháng đầu năm, tổng số DN thành lập mới của tỉnh là 195, nhưng đã có 385 DN giải thể, ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh. Một số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp quy mô hoạt động dẫn đến một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động, không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Đặc biệt, cả tỉnh đã có gần 2.000 lao động có hợp đồng lao động mất việc làm… Các chuyên gia nhận định, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN trong tỉnh tiếp tục khó khăn, tăng trưởng sụt giảm. Nhiều dự án sẽ chậm tiến độ hoặc có nguy cơ dừng triển khai. Do đó, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của chính quyền, cần sự nỗ lực tự thân của mỗi DN.
Trong hoàn cảnh này, DN đang rất cần điểm tựa vững chắc từ phía chính quyền để vượt qua khó khăn. Điểm tựa ở đây chính là các giải pháp gỡ khó và các cơ chế hỗ trợ cho DN. Theo ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, trước tiên phải thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Trong đó, rà soát tình hình thực hiện dự án, xác định các khó khăn, vướng mắc của từng dự án về thủ tục, đất đai, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và gỡ khó cho DN; phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu; ưu tiên nguồn lực cho các DA hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm, quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ đọng; kịp thời điều chuyển vốn các DA chậm triển khai hoặc chưa cấp thiết. Ngoài ra, chỉ đạo hoàn thành nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng các DA đầu tư ngoài ngân sách; tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn. Giải quyết dứt điểm các DA tồn đọng, vướng mắc, nhất là các DA hạ tầng đô thị…
Tiếp theo, có những giải pháp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ. Đó là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Xóa nợ tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp; khoanh nợ tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; miễn giảm, gia hạn nộp thuế đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp cải cách hành chính, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tiết kiệm chi ngân sách, dừng, giãn tiến độ các DA đầu tư công chưa cấp thiết để bổ sung ngân sách thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Theo đề xuất từ phía Hiệp hội DN, chính quyền cần tăng cường đối thoại với DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tự thân các DN cần đẩy mạnh giao thương nội bộ để cùng sẻ chia khó khăn cho nhau; khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào những ngành nghề sản xuất vật dụng thiết yếu...