Xóm La Chưỡng xã Tân Quang (T.P Sông Công) có 118 hộ dân với trên 500 nhân khẩu nằm trong vùng lõi của Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, tất cả các hộ phải di dời để phục vụ Dự án khu công nghiệp này. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB), chi trả tiền bồi thường được chia làm nhiều đợt và đến nay, xóm La Chưỡng còn 23 hộ chưa được nhận bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã nhận bồi thường đất nông nghiệp).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân đều đã được thống kê, kiểm đếm tài sản cách đây khoảng 1 tháng và đang trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Thủ tục này cộng với việc niêm yết công khai phương án bồi thường mất khá nhiều thời gian và đang bị ảnh hưởng tiến độ bởi phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, cùng với con đường chính đã được bàn giao cho Dự án thi công san lấp, nhiều diện tích xung quanh khu vực đang là một công trường lớn khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại. Họ phải đi chung qua 2 tuyến đường tạm với các xe tải chở đất hoạt động liên tục. Hễ trời có mưa là các lối đi rất trơn, hình thành luống rãnh, lầy thụt. Ông Bùi Quốc Tuấn, Trưởng xóm La Chưỡng là một trong số 23 hộ dân đó, phản ánh: Tình trạng này đã từ khoảng nửa tháng nay khi họ thi công mạnh. Sau khi người dân có nhiều ý kiến cộng với đề nghị của xã, chủ đầu tư (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho khắc phục bằng cách đổ xỉ chống trơn và làm một đoạn đường tạm khoảng 200 mét. Tuy nhiên, vì lớp xỉ mỏng và các xe tải chở đất thường xuyên đi qua nên đoạn đường bị “băm nát”. Chúng tôi lo lắng khi hết dịch, các cháu phải đi học, đi làm trở lại sẽ rất vất vả, nhất là khi bước vào mùa mưa.
Vì bức bách về đường đi, gia đình ông Trịnh Văn Thi đã đứng ra huy động các hộ nộp tiền để làm một lối đi tạm, nhưng mọi người không đồng ý vì sợ không được bồi thường và cũng do chính quyền xã không cho phép. Tuy vậy, gia đình ông Thi vẫn tự làm một đoạn đường hẹp để đi xe máy...
Nhiều người dân trong khu vực khi được hỏi đều bày tỏ sự đồng thuận cao, sẽ sớm bàn giao mặt bằng để Dự án đẩy nhanh tiến độ. Nhưng cùng với việc phải chờ hoàn thiện các thủ tục để nhận tiền bồi thường và đất tái định cư thì họ còn cần thời gian để bố trí chỗ ở mới, nếu xây xong nhà kiên cố mới chuyển đi thì sẽ mất nhiều tháng. Do đó, để bớt khó khăn về giao thông trước mắt, người dân đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu làm một lối đi riêng tạm thời, tách hẳn với đường hoạt động của xe tải phục vụ công trình. Đồng thời cho các hộ tạm ứng một phần tiền bồi thường, giao đất tái định cư trước để người dân xây nhà và sớm di chuyển khỏi khu vực này.
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Nguyện vọng của người dân là rất chính đáng. Chúng tôi đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh và nhà thầu có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục những khó khăn trước mắt về giao thông ở đây. Ngoài việc gây ảnh hưởng đến giao thông của người dân, hoạt động thi công trong khu vực cũng khiến một số hộ có nguy cơ bị ngập úng khi mưa lớn, một số vị trí đường điện mất an toàn…
Những vấn đề này cần được chủ đầu tư và chính quyền địa phương lưu tâm hơn song song với việc đẩy nhanh tiến độ Dự án KCN Sông Công II và hoạt động thu hút đầu tư.