Hội Nữ doanh nhân tỉnh hiện có 185 thành viên hoạt động theo 06 cụm trên phạm vi toàn tỉnh. Quy mô quản lý vốn của toàn thể hội viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, 100% doanh nghiệp trong Hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên đề nghị sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trụ vững trước những khó khăn sắp tới...
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa trên địa bàn tỉnh và khó khăn hơn đối với những doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ. Qua khảo sát toàn diện 24 yếu tố, điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do Hội Nữ doanh nhân tỉnh vừa thực hiện đến toàn thể hội viên cho thấy có tới 46% doanh nghiệp chỉ cầm cự được 3 tháng, 19% doanh nghiệp cầm cự được 6 tháng, 18% doanh nghiệp cầm cự được 1 năm và 17% doanh nghiệp cầm cự được trên 1 năm. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó chịu đựng được thời gian dài vì bị dịch bệnh gây mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thiếu dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh và thu hẹp lực lượng lao động. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hội Nữ doanh nhân tỉnh đều trong tình trạng ảnh hưởng giảm doanh thu. Trong đó, có 75,15% số doanh nghiệp của Hội bị giảm doanh thu từ 10% đến trên 50% theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm 2020; trên 71% số doanh nghiệp có lao động phải cho nghỉ do thực hiện giãn cách xã hội, nghỉ làm để trông con do nhà trường đóng cửa, nghỉ làm do lo ngại dịch bệnh, nghỉ do thiếu việc...
Trước tình hình khó khăn đó, các doanh nghiệp trong Hội đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, như: Tích cực tìm thị trường mới, nâng cao chất lượng phục vụ, cắt giảm chi phí sản xuất, thu hẹp sản xuất. Một số doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà, linh hoạt về thời gian làm việc, không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, khuyến khích một số lao động nghỉ không lương tạm thời, nghỉ phép năm. Nhưng đó chỉ là các giải pháp tình thế, ngắn hạn còn để giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản hàng loạt, giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp nữ trong tỉnh đã tổng hợp các ý kiến kiến nghị để gửi tới có cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Chị Hàn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Tổ chức sự kiện Việt Phượng kiến nghị: Cần bổ sung và công bố sớm danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa. Còn chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng &Thương mại Quỳnh Minh nêu: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng bởi dịch bệnh; xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường, các khoản vay lãi suất thấp.
Đại diện một số doanh nghiệp trong Hội Nữ Doanh nhân tỉnh còn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tạm hoãn, giãn hoặc miễn giảm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn. Tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. Đồng thời, các doanh nghiệp trong Hội cũng đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% cho đến hết năm 2020. Về vấn đề tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu hàng hóa cũng như quá trình kiểm tra, tham vấn và xác định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, các doanh nghiệp đề nghị ngành Hải quan xem xét cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian...
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh cho biết: Chúng tôi đã sử dụng phần mềm để khảo sát, đảm bảo tính khách quan, minh bạch toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghĩa vụ thuế, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động tại các doanh nghiệp. Những kiến nghị nêu trên là của cả cộng đồng doanh nghiệp nữ nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nói chung nên mong muốn được Trung ương, tỉnh quan tâm, sớm có các chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời…