Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa dông

17:43, 23/04/2020

Cơn mưa to kèm dông lốc xảy ra vào ngày 22 và 23-4 đã gây thiệt hại về tài sản của bà con ở một số địa phương trong tỉnh, rất may không có thiệt hại về người. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả.

Định Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dông lốc. Toàn huyện đã có 28 nhà ở và 12 công trình phụ bị hư hại. Anh Hoàng Văn Lý, có nhà bị đổ sập hoàn toàn ở xóm Kim Tiến, xã Kim Phượng bày tỏ: Hầu hết đồ dùng trong gia đình tôi đều đã bị hư hỏng. Chưa thể dựng lại nhà ngay được nên chúng tôi ngủ nhờ ở nhà hàng xóm và mọi việc sinh hoạt của gia đình cũng đành phải nhờ các hộ dân trong xóm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Lý, lực lượng dân quân tự vệ xã Kim Phượng cùng bà con đã giúp đỡ dọn dẹp, di chuyển đồ đạc và dựng tạm 1 căn bếp nhỏ để gia đình nấu ăn.

Trao đổi với chúng tôi về công tác khắc phục hậu quả mưa dông, ông Đặng Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Để kịp thời giúp đỡ bà con, UBND huyện đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 5 triệu đồng cho các hộ bị thiệt hại nặng. UBND huyện cũng chỉ đạo các hội đoàn thể, cơ quan chức năng giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng di chuyển đồ đạc, nhanh chóng khắc phục tình trạng tốc mái nhà. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết để kịp thời thông báo để đến bà con phòng, tránh.

Lãnh đạo UBND huyện Định Hóa thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền mặt cho gia đình anh Hoàng Văn Lý, ở xóm Kim Tiến, xã Kim Phượng.

Đối với huyện vùng cao Võ Nhai, các tuyến đường đất trên địa bàn xã Phương Giao bị sói lở nghiêm trọng, gồm: Tuyến đường từ xóm Nà Canh đi xóm Na Bả sạt lở đất tại 2 điểm ước tính khoảng 50m3 đất, đá, sạt lở mặt đường trên toàn tuyến. Tuyến đường từ xóm Nà Canh đi xóm Đồng Dong sạt lở đất tại nhiều điểm ước tính khoảng 50m3 đất, đá, sói lở mặt đường, hư hỏng các ngầm giao thông trên toàn tuyến. Tại xã Dân Tiến, khoảng 60ha ngô bị đổ... Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, bố trí lực lượng theo dõi các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng. Sẵn sàng các phương án để ứng phó khi có tình huống xấu, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các cầu tràn, ngầm tràn; phân luồng đảm bảo giao thông đối với các tuyến đường sạt lở.

Tại T.P Thái Nguyên, 2 hộ dân thuộc xóm Cây Sơn, xã Linh Sơn bị tốc một phần mái nhà. Mưa dông đã làm 50ha ngô, rau màu bị gãy dập; 13 cây xanh đô thị bị đổ. Mưa lớn gây ngập úng tại một số điểm trong khu vực trung tâm thành phố và một số đoạn đường như: Khu vực cổng Công an Thành phố; cổng Trường Mầm non 19-5; khu vực đường Minh Cầu; khu vực tổ 7, 8 phường Chùa Hang; tổ 2 phường Thịnh Đán… Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Ban quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: Nhận thấy trời mua to, từ 5 giờ ngày 23-4, đơn vị đã kiểm tra, huy động lực lượng công nhân môi trường đô thị, công nhân Công ty cấp thoát nước với rác ra khỏi dòng chảy, khơi thông hệ thống cống rãnh. Khoảng 5h30 phút cùng ngày, các điểm bị ngập úng đã cơ bản tiêu thoát nước.

Tại huyện Đại Từ, mưa lốc đã làm tốc mái 3 nhà ở của các hộ dân tại xã Lục Ba và Phú Cường. Bà Chu Thị Châm, một hộ dân ở xóm Khuôn Thông, xã Phú Cường cho biết: Khoảng hơn 23 giờ đêm 22-4, mưa lớn đã làm toàn bộ phần mái tôn của gia đình tôi bị tốc, nước mưa làm ướt toàn bộ đồ đạc trong nhà. Gia đình tôi buộc phải chuyển chồng tôi là ông Vũ Đình Xuân (sinh năm 1945) bị bệnh nặng xuống trú tạm dưới bếp. Được sự thăm hỏi, động viên của lãnh đạo địa phương cùng sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể kịp thời sửa chữa phần mái nhà bị hư hại, tôi cảm thấy rất xúc động.

Đại diện lãnh đạo huyện Đại Từ đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ gia đình bà Chu Thị Châm, xóm Khuôn Thông, xã Phú Cường có nhà bị tốc mái do mưa lốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông  Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thông tin: Khi có thông tin thiệt hại do mưa lớn, dông lốc, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị huy động lực lượng tại cơ sở, lực lượng công an, dân quân để giúp các hộ dân khắc phục thiệt hại. Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức trực 24/24 giờ, thống kê các thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn. Huyện cũng đã phối hợp với các chủ hồ, chủ mỏ, cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát các điểm trọng yếu, có nguy cơ sạt lở, đảm bảo công tác an toàn, thoát nước vào mùa mưa.

Tại huyện Phú Bình, hơn 60ha lúa đã bị ngập úng cục bộ. Diện tích ngập úng này chủ yếu ở ven các suối, ngòi tiêu thoát lũ, các cánh đồng trũng, vùng thượng lưu và hạ lưu các cống ngầm qua sông Đào. Đến thời điểm gần trưa ngày 23-4, lượng mưa đã giảm, trên địa bàn một số xã mưa đã tạnh, nước đang rút dần.

Trận mưa dông đã làm 7ha ngô tại các phường: Châu Sơn, Lương Sơn và Phố Cò của T.P Sông Công bị ngập, gãy đổ. UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, nắm bắt tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Ngay sau khi xảy ra mưa dông, lốc, trong ngày 23-4, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình mực nước trên sông Cầu và một số điểm có nguy cơ sạt lở cao như: Mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ), mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ)… Đồng thời, yêu cầu các đơn vị này tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Do ảnh hưởng của mưa dông, tính đến 16 giờ ngày 23-4, toàn tỉnh đã có 28 nhà bị tốc mái. Mưa dông cũng đã làm hơn 60ha lúa, trên 200ha ngô và một số diện tích rau màu của bà con trong tỉnh bị ảnh hưởng.