Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Các DN mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
Đối với kinh doanh vận tải, dịch vụ vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, người dân hạn chế đi lại dẫn đến lượng hành khách giảm mạnh. Là 1 trong 15 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, HTX Vận tải Chùa Hang, ở thị trấn Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) hiện có 60 đầu xe khách cố định tại 35 bến; 12 xe buýt chạy tuyến Quyết Thắng - Đình Cả; 9 xe taxi các loại và 10 xe hợp đồng từ 29-45 chỗ ngồi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ông Nghiêm Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX cho hay: Sau khi Thủ tướng Chính Phủ có chỉ thị hạn chế phương tiện vận tải công cộng để phòng, chống dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 30-3, toàn bộ xe của HTX dừng khai thác khiến cho HTX không có doanh thu. Nhưng hiện tại, đơn vị vẫn thực hiện trả lương cho 120 người nhân viên, trung bình mỗi tháng trên 1 tỷ đồng và hơn 40 triệu đồng tiền hỗ trợ mua bảo hiểm để giữ chân người lao động, chờ dịch bệnh đi qua lại tiếp tục duy trì hoạt động. Ban Quản trị HTX đang rất lo lắng, nếu dịch bệnh kéo dài thì không biết cầm cự được bao lâu.
Còn anh Ngô Thế Quân, Giám đốc DN tư nhân Mỹ Anh (đơn vị chủ quản của hãng taxi Đại Từ), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) chia sẻ: Hiện tại, đơn vị có trên 40 đầu xe taxi. Từ ngày 30-3, chúng tôi đã tạm dừng hoạt động. Vì là DN nhỏ, tiềm lực tài chính không nhiều nên khi không có doanh thu, tất cả các lái xe đồng thuận nghỉ việc không lương, chờ dịch bệnh đi qua sẽ khôi phục hoạt động…
Không chỉ vận tải hành khách, dịch vụ vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Anh Trần Văn Sang, Giám đốc DN Tuấn Sang ở xã Cù Vân (Đại Từ) cho biết: DN của tôi có 12 xe ô tô tải để vận chuyển hàng hóa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mức tiêu thụ hàng hóa của đối tác giảm mạnh, các hợp đồng vận chuyển hàng hóa gần như tạm dừng. Để giải quyết khó khăn trước mắt, chúng tôi tạm thời tìm kiếm loại hàng hóa mới mà sức tiêu thụ không bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 để vận chuyển, đồng thời giảm giá cước. Trước đây, thị trường của chúng tôi chủ yếu ở huyện Đại Từ, còn hiện tại, với loại hoàng hóa mới, chúng tôi đang tìm kiếm mở rộng thị trường sang các địa phương lân cận, như: T.P Thái Nguyên, huyện Phú Lương… Đơn vị có 15 lái xe, nhưng hiện tại còn duy trì 2 người để chở hàng cho khách. Những lái xe tạm thời nghỉ việc, DN vẫn hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ đóng bảo hiểm. Nhưng nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, doanh thu như hiện nay thì sẽ không có tiền để hỗ trợ lái xe, phụ xe tạm thời nghỉ việc…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 DN kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, với khoảng 15 nghìn đầu xe. Trong đó, có hơn 3.000 đầu xe vận tải hành khách, còn lại là xe vận tải hàng hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các DN vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu khoảng 40%, còn những DN vận tải hành khách thì không có doanh thu. Nếu dịch bệnh kéo dài, các DN vận tải hành khách có thể bị phá sản, bởi không có doanh thu nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, một số loại phí dịch vụ, bến bãi, thuê người trông giữ xe. Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, hỗ trợ các DN theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ, giảm và giãn thời gian nộp thuế, phí, lãi ngân hàng cho các DN vận tải. Thời gian tới, các DN mong muốn hoạt động hỗ trợ được sớm triển khai, nhằm giúp DN giảm bớt khó khăn, phục hồi kinh doanh ngay khi dịch bệnh đi qua.