Lặng thầm nơi tuyến đầu chống dịch

17:48, 13/04/2020

Mấy tháng vừa qua, thật khó kể hết những hy sinh thầm lặng của rất nhiều người trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Cùng với cán bộ y tế và công an, lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn sẵn sàng đứng ở tuyến đầu. Không sợ gian nan, nguy hiểm, những người lính đã ngày đêm quan tâm, chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ và điều kiện sinh hoạt cho người dân nơi cách ly; tham gia các chốt kiểm soát dịch bệnh hay tích cực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tối muộn ngày 21-2, một đoàn xe y tế đỗ xịch trước cổng doanh trại của Trung đoàn 832 (xã Lục Ba, huyện Đại Từ) - khu cách ly tập trung đầu tiên của tỉnh. Các lực lượng đã chờ sẵn từ lâu để làm nhiệm vụ. Tất cả 7 chiếc xe buýt chở 181 công dân Việt Nam từ Trung Quốc ngay ngắn nối đuôi trước khi đến các bàn làm thủ tục tiếp nhận để thực hiện việc sát khuẩn, nhận tờ rơi tuyên truyền và khẩu trang y tế. Các phần việc được triển khai nhanh gọn và khoa học. Sau 2 giờ đồng hồ, tất cả đều đã ổn định chỗ ở, mỗi người nhận một suất cơm nóng hổi do bộ đội mang đến.

Trước đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 832 đã có nhiều ngày vất vả để tổng vệ sinh doanh trại; chuẩn bị số lượng lớn giường, chiếu, chăn, gối và các trang thiết bị y tế. Thời gian bố trí cách ly thực sự vất vả đối với những người lính, họ phải sắp xếp, dồn dịch để dành chỗ ở cho công dân. Ngày mới luôn bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ. Hàng chục chiến sĩ cùng với sự góp sức của Hội Phụ nữ xã Lục Ba chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng cho hơn 200 người. Đều đặn mỗi ngày 3 bữa, những hộp cơm đảm bảo dinh dưỡng được đưa đến tận tay công dân theo giờ cố định là 7 giờ, 11 giờ và 17 giờ. Tại mỗi phòng đều để sẵn những mẩu giấy cho mọi người ghi lại yêu cầu hoặc tâm tư, nguyện vọng của bản thân; số điện thoại đường dây nóng được niêm yết để người cách ly có thể liên lạc bất kỳ lúc nào.

Cán bộ y tế chuẩn bị vật tư và hậu cần ở khu cách ly tập trung.

Trung tá Trần Đức Toàn, Chỉ huy phó khu cách ly tại Trung đoàn 832 chia sẻ: Chúng tôi vinh dự khi được giao nhiệm vụ và xác định hoàn thành với trách nhiệm cao nhất. Ngoài phục vụ hậu cần, các chiến sĩ còn phối hợp giải quyết vấn đề tâm lý cho các công dân. Cũng có người tỏ ra buồn chán, trường hợp khác lại có thái độ không hài lòng với người ở chung và đòi chuyển phòng, tất cả khúc mắc đều được nắm bắt và giải quyết ổn thỏa. Hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương xúc động nói: "Đây thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ. Sự quan tâm, gần gũi của mọi người khiến tôi có cảm giác như một gia đình. Chúng tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 832 đã không quản vất vả, thậm chí đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để chăm sóc, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian cách ly”.

Chiến sĩ Trung đoàn 832 và hội viên Hội Phụ nữ xã Lục Ba (Đại Từ) chuẩn bị suất ăn cho người trong khu cách ly.

Dịch COVID-19 xuất hiện chính là lúc lực lượng vũ trang tỉnh được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nhiều đơn vị trực 100% quân số từ đó đến nay. Mọi liên lạc với gia đình và người thân chỉ qua điện thoại. Tuy không phải dựng bạt, căng mình trực chiến như ở các tỉnh vùng biên viễn nhưng lực lượng vũ trang Thái Nguyên cũng luôn thường trực, đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đồng loạt tổ chức tiêu độc, khử trùng, quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ phố nơi đơn vị đóng quân; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân chung tay phòng chống dịch. Đồng thời phối hợp giữ gìn an ninh trật tự, giám sát công dân trở về địa phương… Họ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên và nhân dân giao phó.

Lực lượng dân quân phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) tại trạm phun thuốc khử trùng phòng, chống COVID-19.

Khi tỉnh thành lập các trạm khử trùng tiêu độc, rồi sau đó là các chốt đo thân nhiệt và kiểm soát người vào tỉnh thì dân quân vệ luôn thường trực và là lực lượng nòng cốt. Anh Đoàn Tuấn Anh, dân quân phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Khu vực nút giao Thịnh Đán có hàng nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày. Do vậy, khi thành lập chốt khử trùng, toàn bộ trung đội dân quân cơ động của phường được huy động, chia thành 3 ca trực thường xuyên 24/24h. Ngoài phối hợp với nhân viên y tế thực hiện khử trùng tiêu độc và kiểm tra thân nhiệt, chúng tôi còn phát tờ rơi, tuyên truyền mọi người đeo khẩu trang và chấp hành nghiêm quy tắc phòng, chống dịch.

Không chỉ ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập từ các cửa ngõ ra vào địa bàn, lực lượng dân quân tại cơ sở còn phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế, công an, các tổ tự quản ở xóm, tổ dân phố xây dựng kế hoạch và các phương án dự phòng; sẵn sàng xử trí các tình huống khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh. Một ví dụ điển hình nhưng có lẽ không nhiều người biết. Đó là thời điểm cuối tháng 3-2020, ngay khi Thái Nguyên xuất hiện ca nhiễm COVID-19 số 178 (là công nhân Công ty Trường Sinh, có hộ khẩu ở xã Phú Thịnh, Đại Từ), 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân của huyện Đại Từ được huy động phối hợp với các cấp, ngành rà soát các mối quan hệ, lịch trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân. Kịp thời khoanh vùng và yêu cầu trên 200 người có liên quan tiến hành cách ly, chính vì vậy đã kịp thời ngăn chặn dịch bệnh cũng như ổn định tâm lý, dư luận trong cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng lực lượng dân quân tự vệ ra quân dọn dẹp, phun khử trùng tiêu độc khu vực xung quanh doanh trại.

Phòng, chống “giặc COVID-19” là cuộc chiến đấu đầy cam go, trong bối cảnh ấy, tình quân dân “như cá với nước” càng được thể hiện rõ hơn. Dù ở vị trí nào, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn luôn thầm lặng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.