Sau hơn 3 tuần thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, người dân Thái Nguyên rất quan tâm tới việc tỉnh sẽ có chỉ đạo như thế nào từ ngày 23-4.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Thời gian qua, rất nhiều cửa hàng kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa… Do đó, chúng tôi đang đợi quyết định tiếp theo của các cấp, ngành chức năng để từ đó lên kế hoạch cho các hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới. Còn chị Vũ Thúy Hạnh, thị trấn Đu (Phú Lương) thì mong tỉnh có hướng dẫn trong việc tổ chức việc cưới, việc tang… Riêng anh Lê Đình Văn, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thì cho rằng: Sau ngày 22-4, tỉnh nên thông tin việc bao giờ học sinh sẽ quay trở lại trường vì các cháu nghỉ học gần 3 tháng rồi. Hơn nữa, các loại hình dịch vụ vận tải có được hoạt động trở lại hay không, nhất là đối với các tuyến xe buýt…
Những mong chờ của người dân như vừa nêu ở trên cho thấy, việc tỉnh sớm ban hành văn bản chỉ đạo về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 22-4 là vô cùng cần thiết. Để nhanh chóng ban hành những chỉ đạo phù hợp với công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, ngày 21-4, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp với các ngành và các huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhấn mạnh: Công tác chỉ đạo sau ngày 22-4 sẽ dựa trên quan điểm phòng, chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, những quyết sách đưa ra phải được tính toán kỹ, dựa trên tính thực tiễn, khoa học, pháp lý, có lợi cho người dân.
Theo đó, đại diện các cấp, ngành đã thảo luận rất kỹ những nội dung liên quan đến việc nới lỏng một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nhưng có kiểm soát sau ngày 22-4… Căn cứ vào đó, Thái Nguyên đã đưa ra nhiều quyết sách hợp tình, hợp lý. Đơn cử, từ ngày 23-4 trở đi, các trung tâm dịch vụ, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, cửa hàng tiện lợi; chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm); cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, văn phòng phẩm, kinh doanh thời trang, ăn uống không phục vụ tại chỗ; dịch vụ khám, chữa bệnh (tuân thủ theo quy định của ngành Y tế); ngân hàng; bưu chính viễn thông… được phép hoạt động trở lại.
Cùng với đó, các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, xe taxi cũng được phép hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23-4. Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi chỉ được hoạt động trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên. Các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh chỉ được hoạt động không quá 50% số chuyến theo biểu đồ chạy xe. Khi vận chuyển hành khách, các đơn vị phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng, số người vận chuyển cùng một thời điểm không quá 50% số chỗ ngồi và tối đa không quá 20 người trên một chuyến xe (bao gồm cả lái xe), bố trí hành khách ngồi dãn cách…
Riêng đối với việc tổ chức việc cưới, việc tang, ngành Văn hóa sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương trên địa bàn tỉnh áp dụng, đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh…
Một số lĩnh vực có thể nới lỏng đang được nghiên cứu như cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống tại chỗ... Điều kiện và phương án cho học sinh trở lại trường học một cách an toàn cũng đã được tỉnh xây dựng. Cụ thể, học sinh khối 9 và 12 dự kiến đi học trở lại vào ngày 27-4; các khối còn lại và bậc học mầm non… sẽ đi học trở lại vào ngày 4-5. Các cơ sở giáo dục bố trí học sinh các khối, lớp chỉ học 1 buổi/ngày và thực hiện giãn cách, không tổ chức học thêm, dạy thêm…
Bên cạnh việc nới lỏng một số hoạt động, đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đưa ra khuyến cáo với người dân: Không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn; giữ khoảng cách với người khác trên 2m. Đặc biệt, hạn chế ra khỏi nhà, đi lại giữa các địa phương; những trường hợp từ các địa phương khác về Thái Nguyên phải thực hiện khai báo ngay với xóm, tổ dân phố để được theo dõi, giám sát theo quy định; không tụ tập từ 10 người trở lên…
Có thể nói, đây là thời điểm quan trọng để Thái Nguyên chuẩn bị các phương án, có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề nhằm đảm bảo mục tiêu vừa kiểm soát được dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với những quyết sách mà tỉnh đưa ra để cùng nhau quyết tâm thực hiện, chiến thắng trên mọi mặt trận.