Diễn biến dịch COVID-19 trong nước có sự gia tăng đột biến các ca bệnh trong các ngày qua, Thái Nguyên đã xuất hiện 1 ca bệnh và hàng chục người phải cách ly tập trung do người tiếp xúc gần, bởi thế tỉnh đã tăng cường bố trí, mua sắm thêm trang thiết bị y tế, sẵn sàng ứng phó và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Là cơ sở y tế chuyên điều trị các bệnh lao và bệnh phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được tỉnh giao thu dung và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn, trong đó có cả bệnh nhân nặng. Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chia sẻ: Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Bệnh viện gói thấu trị giá trên 16 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó có 4 máy thở và các trang thiết bị kèm theo đã được chuyển đến và lắp đặt. Bệnh viện cũng đã bố trí các phòng, khu vực cách ly, điều trị… cho bệnh nhân. Một số trang thiết bị cấp cứu, điều trị ban đầu như bơm tiêm điện, máy truyền dịch… cũng được kiểm tra, rà soát lại để sẵn sàng bố trí sử dụng khi cần.
Cùng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh và một số cơ sở y tế khác trên địa bàn, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng là một trong những nơi được giao tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đây còn là cơ sở y tế tuyến cuối trên địa bàn tỉnh nên được giao kế hoạch sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân nặng và rất nặng. Hiện nay, Bệnh viện đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bố trí cơ sở vật chất, nhân lực sẵn sàng cho công tác ứng phó với dịch bệnh. Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Phó trưởng phòng Vật Tư, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Về cơ sở vật chất và một số trang thiết bị thiết yếu, chúng tôi có thể đáp ứng được tại chỗ. Tuy nhiên, Bệnh viện được Bộ Y tế giao 20 giường bệnh cấp cứu. Kèm theo 20 giường này đều phải có hệ thống máy thở, máy theo dõi, bơm tiêm điện… Đây đều là những thiết bị cần thiết trong điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân nặng. Tuy vậy, hiện nay, những thiết bị này đang còn thiếu. Toàn Bệnh viện hiện có 58 máy thở nhưng tối đa chỉ có thể chuyển 5-7 máy để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, còn lại phải dùng cho các trường hợp bệnh khác.
Từ thực tế cho thấy, thời gian qua, các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Về phía Sở Y tế, cùng với việc tập trung hướng dẫn các đơn vị, địa phương việc thực hiện giám sát, theo dõi, cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú; tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, thông báo kịp thời cho Công an tỉnh và chính quyền địa phương để phối hợp tổ chức giám sát, theo dõi, cách ly theo quy định; tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đơn vị cũng đã có các phương án để chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở y tế tuyến huyện đã được trang bị các thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế (quần áo bảo hộ, kính mắt, khẩu trang…) để sử dụng khi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm COVID. Đồng thời, được cấp hóa chất, máy phun hóa chất khử khuẩn; thiết bị lấy mẫu xét nghiệm… để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ y tế tuyến dưới.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm: Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung thêm gói thầu trị giá khoảng 50 tỷ đồng để mua máy thở trang bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Với số lượng máy móc, thiết bị hiện tại và được trang bị thêm, sẽ nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cũng như khả năng điều trị khi có bệnh nhân mắc COVID-19. Ngành Y tế đang triển khai thực hiện Công văn số 1769/BYT-KH-TC về việc hướng dẫn các tiêu chuẩn, định mức giường cách ly tại các cơ sở cach ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và chờ hướng dẫn của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để tham mưu, bổ sung thêm kế hoạch bố trí, mua sắm trang thiết bị y tế, sẵn sàng ứng phó với dịch.