Nhằm đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và đưa ra phương án dự trù hàng hóa…
T.P Thái Nguyên hiện có 30 chợ, gần 40 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng bán lẻ. Từ khi xuất hiện dịch COVID19 đến nay, trên địa bàn thành phố có 3 đợt người dân đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu, đó là dịp ngay sau Tết Nguyên đán, ngày 7-3 và trong 2 ngày 30, 31-3 (trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ). Hiện tượng này gây ra tình trạng hàng hóa khan hiếm cục bộ tại một số siêu thị, chợ.
Nhằm ổn định cung - cầu, đặc biệt tránh tình trạng găm hàng, tăng giá, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả T.P Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống trên địa bàn. Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên, đơn vị đã phối hợp cùng các phòng, ban liên quan của Thành phố tập trung kiểm tra các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Qua kiểm tra cho thấy, tại các chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh, hàng hóa khá dồi dào. Hiện nay đơn vị cũng đang thực hiện cách ly xã hội nên không thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đông người mà phân lẻ cán bộ kiểm tra đột xuất từng trường hợp khi có nghi vấn vi phạm. Cũng qua theo dõi, kiểm tra chúng tôi chưa thấy có hiện tượng găm hàng, tăng giá đối với các nhóm mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng. Tuy nhiên, còn có cửa hàng kinh doanh mặt hàng y tế tăng giá bán và xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Cụ thể từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý trên 50 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế vi phạm quy định về giá và chất lượng y tế và một số vụ vận chuyển, buôn bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Riêng với mặt hàng khẩu trang đã thu giữ trên 14 nghìn chiếc, với tổng giá trị trên 41 triệu đồng.
Ngày 9-4, khi đến một số chợ, siêu thị trên địa bàn chúng tôi cũng ghi nhận hàng hóa dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, một số mặt hàng thực phẩm giá vẫn khá cao, như: tại Siêu thị Minh Cầu (nằm trên đường Minh Cầu) cà chua có giá bán 32.800 đồng/kg, đỗ đũa 38.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ 159.000 đồng/kg… Giải thích về điều này, đại diện quản lý siêu thị cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Công Thương và UBND T.P Thái Nguyên, từ Tết Nguyên đán đến nay, siêu thị luôn chủ động dự trữ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa của người dân, giá các mặt hàng bán ra không tăng. Duy chỉ có một số loại thực phẩm tươi sống và rau xanh không để được lâu, nhập theo ngày; thời gian này do yếu tố thời tiết mưa, nắng thất thường nên giá một số loại rau cao hơn những ngày trước, còn giá thịt lợn cao từ nhiều tháng nay do siêu thị phải nhập nguồn hàng vào với giá cao.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên thông tin thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh về bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, T.P Thái Nguyên cũng đã chủ động lập phương án ứng phó theo từng cấp độ. Theo đó, Thành phố đã làm việc với 2 doanh nghiệp trên địa bàn để dự trữ thêm 3.000 tấn gạo dự phòng, đồng thời khuyến khích các siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với người dân, chúng tôi khuyến khích đẩy mạnh sản xuất để tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa.
Còn theo ông Trần Khánh Phương, nhằm góp phần ổn định thị trường, phòng ngừa tình trạng găm hàng đẩy giá lên cao hoặc buôn bán hàng hóa giả mạo trục lợi, Đội QLTT số 2 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm.