Xác định rõ vị trí, vai trò hạt nhân lãnh đạo, trong nhiệm kỳ vừa qua Đảng ủy Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt. Đảng ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm, quyết định, kế hoạch về phát triển KH&CN, từ đó tạo hành lang pháp lý, định hướng quan trọng, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động KH&CN. Bởi vậy hàng năm, hơn 60% kinh phí sự nghiệp KH&CN được dành cho hoạt động này. Các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc 6 lĩnh vực khoa học đã được ngân sách nhà nước đầu tư kinh phí. Các nhóm nghiên cứu đã tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn cao, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đơn vị, địa phương. Các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. KH&CN cấp tỉnh đã có sự giao thoa, kết hợp giữa nhiều ngành khoa học, từ đó tạo nên các kết quả nghiên cứu đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của đời sống, sản xuất và kinh doanh.
Thái Nguyên là một tỉnh có lợi thế về nguồn nhân lực KH&CN. Trong giai đoạn 2015-2017, tính trung bình cứ 10.000 người dân của tỉnh thì có 52 cán bộ KH&CN. Cùng với đội ngũ cán bộ KH&CN đông đảo, Thái Nguyên có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, nhiều trung tâm nghiên cứu, hệ thống phòng thí nghiệm công lập, ngoài công lập được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên đã được ký kết, triển khai. Điều đó đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên với các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo được tiếng nói chung để cùng giải quyết những vấn đề, cần có sự vào cuộc của KH&CN.
Thực tế phản ánh, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là chỉ số rất quan trọng phản ánh hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế. Thái Nguyên có tốc độ tăng TFP giai đoạn 2016-2018 đạt 7,22%, tỷ trọng đóng góp của TFP là 54,71%. Điều này đã khẳng định rõ yếu tố tạo nên tăng trưởng là các yếu tố tổng hợp bao gồm: Đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của người lao động. Nhiều hoạt động KH&CN của tỉnh đã hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh như: Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn áp dụng; cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực thi hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo nhóm 2; xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nổi tiếng của tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin về công nghệ; thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực KH&CN. Đặc biệt, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - một lĩnh vực mới, có tiềm năng để tạo nên những tăng trưởng mang tính đột phá. Nhiều hoạt động tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, thương mại hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm… được Sở KH&CN tham mưu trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Đồng thời đã thực hiện hướng dẫn việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN. Các hoạt động nổi bật này đã tạo nên những điểm nhấn rõ nét về sự đóng góp của KH&CN cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chiên, cá trắm đen tại hồ Vai Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ).
Phát huy những thành tích đã đạt được, mục tiêu trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; đổi mới cơ chế quản lý, tạo bước phát triển mạnh mẽ về KH&CN trong giai đoạn 2020-2025. Lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công chức, viên chức và người lao động góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tập trung trên cả 5 lĩnh vực: Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới trong quản lý và điều hành công tác tài chính, kế toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quy hoạch Phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2017-2025. Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các nội dung thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ…
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước nhu cầu hội nhập và phát triển, các xu hướng và yêu cầu phát triển công nghệ gắn với xây dựng một nền sản xuất thông minh, hiện đại sẽ là định hướng chủ đạo cho hoạt động KH&CN. KH&CN, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Với quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng bộ, tập thể lãnh đạo Sở KH&CN và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Sở sẽ cùng nỗ lực, đổi mới tư duy, cùng bứt phá trong công tác tham mưu, triển khai tác nghiệp để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.