Sản xuất công nghiệp: Giải pháp nào để gỡ khó?

10:07, 01/05/2020

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (DN SXCN) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các DN đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, đời sống của người lao động.

Gắng sức vì công nhân

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm nay, tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn, không ít DN rơi vào tình cảnh lao đao. Đa phần các DN này có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo hình thức gia công bán thành phẩm hoặc sản xuất linh kiện cho các đối tác trong nước và nước ngoài. Dệt may là một trong những lĩnh vực như thế.

Trong số hơn 10 DN may trên địa bàn tỉnh thì 60% phải tìm cách bù lỗ để duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) may Thành Hưng cho biết: Quý I năm nay, kết quả sản xuất của Công ty sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do Công ty thiếu nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất… Tương tự, đối với Công ty CP may xuất khẩu Phú Lương, do thiếu nguyên, phụ liệu và sản phẩm làm ra không xuất bán được nên kết quả sản xuất của đơn vị trong quý I chỉ đạt 30% kế hoạch đề ra. Trung bình mỗi tháng, Công ty phải bù lỗ 1,6 tỷ đồng để trả lương cho công nhân, duy trì sản xuất cầm chừng.

Không riêng ngành dệt may, các DN sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh cũng đang “thấm mệt” vì thị trường tiêu thụ sản phẩm bị “đóng băng”. Để khắc phục tình trạng đó, một số DN sản xuất phụ tùng xe máy (như Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên…) đã tìm hướng chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, như sản xuất linh kiện ô tô, máy nông nghiệp, vật liệu ngành điện, thay vì chỉ trông chờ vào các đơn hàng sản xuất phụ tùng xe máy của đối tác. Riêng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mặc dù thời gian qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn do Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II bị đình trệ và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực ổn định sản xuất. Quý I năm nay, các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu được Công ty đề ra đều cơ bản hoàn thành, như: Sản lượng gang lò cao đạt 35.090 tấn, phôi thép 63.900 tấn, thép cán 195.800 tấn… “Trong bối cảnh này, Công ty phải cố gắng hết sức vì hơn 4.200 công nhân, bảo đảm việc làm, đời sống của anh chị em” - ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ với chúng tôi. “Cố gắng hết sức vì công nhân” cũng là nỗ lực, quyết tâm chung của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời điểm khó khăn này.

Và những “điểm sáng”

Theo thông tin từ Sở Công Thương, quý I năm nay, giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 140.000 tỷ đồng, bằng 17,4% kế hoạch năm và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thép cán tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Mặc dù SXCN đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bên cạnh những DN gặp khó thì vẫn có các “điểm sáng”. Đơn cử, ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên cho biết: Thời gian qua, Công ty vẫn duy trì ổn định nhịp độ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, riêng trong quý I năm nay mức tăng trưởng đạt trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả này, Công ty luôn nỗ lực cải tiến hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm xi măng và nâng cao sức cạnh tranh về giá bán trên thị trường… Còn với Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công đã hợp tác thành công với một số đối tác xuất khẩu và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó bảo đảm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đạt mức tăng trưởng khả quan. Đồng thời, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng; cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả. Mới đây nhất, Công ty đã đưa dây chuyền đúc tự động và đúc mẫu cháy (còn gọi là đúc mẫu hóa khí) vào hoạt động, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Căn cứ vào sự đầu tư có trọng điểm, Công ty phấn đấu năm nay đạt tổng doanh thu 800 tỷ đồng (tăng khoảng 50 tỷ đồng so với năm trước).

Cùng với một số DN nội địa thì các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh - như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và các đơn vị phụ trợ cho SEVT - cũng duy trì sự tăng trưởng ổn định. Trong quý I vừa qua, nhiều sản phẩm của các DN FDI đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là: Tai nghe đạt 15,9 triệu sản phẩm (tăng gấp 2,2 lần); sắt thép các loại đạt trên 366.000 tấn (tăng 21,8%); mạch điện tử tích hợp đạt 28,2 triệu sản phẩm (tăng 19,8%); điện thoại có giá từ 6 triệu đồng trở lên đạt 5,4 triệu sản phẩm (tăng 3,4%)... 

Từ thực tế cho thấy, để có thể đứng vững trước những khó khăn, hướng tới sự phát triển bền vững, các DN cần có năng lực quản trị tốt, chú trọng huy động nguồn lực tập trung đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động sản xuất của các DN cần có tính chuyên môn hóa cao, tự chủ về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện 90% các DN trên địa bàn tỉnh vẫn có quy mô sản xuất vừa và nhỏ thì các đơn vị này luôn mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng về cơ chế, chính sách, nguồn vốn tín dụng phục vụ đầu tư phát triển… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Năm nay, tỉnh ta phấn đấu tổng giá trị SXCN trên địa bàn đạt 803.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nhưng tỉnh quyết tâm không thay đổi mục tiêu này. Nhiệm vụ phía trước còn nhiều khó khăn, tỉnh sẽ tiếp tục có những quyết sách kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ các DN ổn định, phát triển sản xuất".