Thủ tướng Chính phủ vừa phát đi thông điệp sẽ trưng cầu ý kiến hiến kế của doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19. Để làm được việc này, Chính phủ sẽ tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó có sự góp mặt của khoảng 800 nghìn DN và hàng triệu hộ kinh doanh.
Theo Văn phòng Chính phủ, sự kiện này rất quan trọng đối với nền kinh tế lúc này vì từ những đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là của DN, Chính phủ sẽ đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cải thiện thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù hiện tại cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn, song quan điểm của Thủ tướng rất rõ: Đây không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà phải thể hiện tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc, đạt mục tiêu tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu, tất cả phải cùng “xắn tay” vào cuộc, cùng lo việc mới giành thắng lợi.
Tham gia Hội nghị “hiến kế” này, chắc chắn cộng đồng DN Thái Nguyên cũng sẽ có các đề xuất thiết thực, đồng thời khẳng định quyết tâm vượt qua khó khăn. Theo số liệu mà Hiệp hội DN tỉnh cung cấp, hiện toàn tỉnh có gần 7.000 DN hoạt động với số vốn đăng ký trên 88 nghìn tỷ đồng. Diễn biến dịch COVID-19 vừa qua, dù Thái Nguyên không phải tâm điểm, nhưng những tác động của nó đến cộng đồng DN là rất lớn. Trong quý I, toàn tỉnh có 385 DN giải thể, dừng hoạt động và bỏ địa chỉ kinh doanh. Trước thực tế đó, Hiệp hội DN tỉnh đã đề nghị các DN tập trung phát huy lợi thế nguồn lực, thay đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại với DN để tìm giải pháp tháo nút thắt khó khăn; phát động phong trào thi đua vượt qua đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh giao thương nội bộ nhằm “mua cho nhau, bán cho nhau”; khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào những ngành nghề sản xuất mặt hàng thiết yếu…
Chắc hẳn sau Hội nghị “hiến kế”, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện thế giới vẫn đang loay hoay dập dịch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất lúc này là cộng đồng DN phải thực sự nỗ lực tự thân, từ đó mới có thể “xắn tay” lo việc chung của nền kinh tế. Theo đó, bản thân các DN phải sẵn sàng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại bằng các phương án, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Có kế hoạch trước mắt, kế hoạch dài hạn trên cơ sở phát triển bền vững, nhưng phải tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, loại bỏ những hạn chế và lệ thuộc vào thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Các chuyên gia cho rằng, trước tiên các DN hãy đánh giá đúng thực trạng khó khăn của đơn vị mình hiện tại, tăng cường tiết kiệm trong chi phí, tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào các hạng mục, mặt hàng thiết yếu…