Bàn giải pháp phát triển sản xuất chè bền vững

16:21, 12/06/2020

Sáng 12-6, tại T.P Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Quốc Doanh đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững. Dự Hội nghị có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chè Việt Nam; các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chè tiêu biểu trong nước và của tỉnh....

Việt Nam hiện có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích trên 123.000ha, năng suất trung bình đạt 94,8 tạ/ha. Nhờ có chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất nên mặc dù diện tích trồng có xu hướng giảm nhưng diện tích chè kinh doanh luôn ổn định ở mức xấp xỉ 115.000ha, sản lượng chè giai đoạn 2011-2019 tăng từ trên 878.000 tấn lên trên 1 triệu tấn. Sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đang đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, tuy nhiên số lượng và giá trị sản phẩm chè xuất khẩu lại đạt thấp. Chỉ tính riêng năm 2019, khối lượng chè xuất khẩu chỉ đạt 136 nghìn tấn, trị giá 235 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đối với tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích chè lớn nhất cả nước (trên 22.500ha), giá trị sản phẩm thu được trên 1ha bình quân đạt khoảng 300-500 triệu đồng; vùng chè đặc sản đạt 500-800 triệu đồng/ha.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất chè ở nước ta hiện nay, trong đó nhấn mạnh những hạn chế, bất cập như: Sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp; việc ứng dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác còn hạn chế; diện tích sản xuất chè an toàn chưa nhiều; các tỉnh chưa có định hướng phát triển cụ thể đối với từng giống chè... 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Dư địa phát triển ngành Chè nước ta còn lớn. Vì vậy trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững, các cơ quan chuyên môn của Bộ cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè. Trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng thị trường, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Đối với các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn tại cơ sở trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn…