Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

15:30, 31/08/2020

Ngày 31-8, tại Thái Nguyên, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính (TTHC). 

Cùng dự có các đồng chí: Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND các tỉnh. Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và tăng cường cải cách TTHC, đến nay, hầu hết các tỉnh trong nhóm rà soát đã ban hành, sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg; 6/6 tỉnh thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã áp dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử.Tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ.
 
Về triển khai cải cách TTHC, các địa phương thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. 
 
Đồng chí Mai Tiến Dũng và Tổ công tác khảo sát tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Thái Nguyên.
 
Báo cáo tại Hội nghị cũng chỉ rõ một số hạn chế trong thực hiện Chính phủ điện tử và cải cách TTHC: Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn chậm, chủ yếu mới tích hợp cung cấp dưới 10 dịch vụ công. Hầu hết các tỉnh chưa triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của địa phương theo thời hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là tháng 3-2020.
 
Về phía tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách TTHC đã được đặc biệt quan tâm, nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng; tái cấu trúc quy trình và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS Index) có sự cải thiện và xếp thứ hạng khá so với cả nước.
 
Đồng chí Mai Tiến Dũng và Tổ công tác khảo sát tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên.
 
 Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ khảo sát tại khu vực tiếp dân thuộc Sở Công Thương Thái Nguyên. Ảnh: LK
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đã thảo luận, trao đổi làm rõ nhiều nội dung, nhất là nguyên nhân hạn chế trong thực hiện cải cách TTHC và triển khai Chính phủ điện tử; đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục. Các đại biểu cũng thống nhất đề xuất lựa chọn Thái Nguyên làm điểm, trung tâm đầu mối kết nối triển khai đô thị thông minh của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền và tham gia tích cực của cơ quan, đơn vị các tỉnh trong thực hiện Chính phủ điện tử và cải cách TTHC. Đồng chí cũng lưu ý, các địa phương đã làm tốt việc kết nối các cơ quan Nhà nước song quan trọng là phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ và dư địa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu đến cuối năm ít nhất có 30% dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương được đồng bộ, kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thực hiện gửi nhận văn bản trực tuyến. Các địa phương tăng cường cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 và 4, cắt bỏ tất cả những rào cản, gây phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp…