Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thể thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin - Tuyên truyền, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Trải qua quá trình xây dựng, phát triển, ngành TT&TT luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao.
75 năm qua, ngành TT&TT đã có nhiều dấu mốc quan trọng với nhiều tên gọi khác nhau. Đến tháng 8-2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Lịch sử ngành TT&TT Việt Nam lại bước sang một trang mới. Việc thành lập Bộ TT&TT thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày ngày 28-8 là Ngày truyền thống ngành TT&TT Việt Nam.
Phát huy vai trò to lớn của ngành TT&TT trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ khi thành lập đến nay, Bộ TT&TT ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Sự phát triển lớn mạnh không ngừng của ngành TT&TT đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập vào nền kinh tế thế giới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhiều lĩnh vực của ngành đã có đạt được thành tựu quan trọng như: Tháng 4-2008, vệ tinh VINASAT 1 đã được phóng thành công lên vũ trụ và VINASAT 2 được phóng thành công năm 2012 đã khẳng định vững chắc chủ quyền trên không gian của Việt Nam. Dịch vụ thông tin di động 3G, 4G được cung cấp tại Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển, sớm triển khai công nghệ 5G. Công nghệ Phát thanh truyền hình tương tự chuyển đổi thành công sang Phát thanh truyền hình số. Chứng thực chữ ký số đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hoàn thiện các hệ thống tạo nền tảng Chính phủ điện tử: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước; bước đầu triển khai dịch vụ đô thị thông minh…
Những thành tựu mà ngành TT&TT đạt được đã góp phần không nhỏ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, năm 2006, Sở TT&TT được thành lập trên cơ sở là Sở Bưu chính - Viễn thông tiếp nhận thêm chức năng quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa - Thông tin.
Với bề dầy lịch sử truyền thống của ngành, sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từ khi thành lập đến nay, Sở TT&TT luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Báo chí, xuất bản phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thức và nội dung, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là bước đột phá quan trọng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, ứng dụng CNTT trong xã hội đang ngày càng phổ biến, đem lại cho xã hội lợi ích ngày càng cao.
Tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tận dụng hiệu quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong thời gian tới, ngành TT&TT Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện tốt các đột phá chiến lược trên cả 6 lĩnh vực: Bưu chính viễn thông, ứng dụng CNTT, an toàn thông tin, công nghiệp CNTT, báo chí, truyền thông. Trước tiên là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ điện tử; xây dựng khu công nghiệp CNTT tập trung, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNTT, điện tử - viễn thông; thúc đẩy phát triển mạng lưới chuyển phát và logistics phục vụ phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng TT&TT theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; từng bước thu hẹp khoảng cách về tiếp cận thông tin giữa thành thị và nông thôn; bảo đảm an toàn an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công cấp độ 4; xây dựng hệ thống báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân trong tỉnh; chuyển đổi số cho hoạt động thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế... Nỗ lực tạo đột phá với tinh thần làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá, chắc chắn ngành TT&TT tỉnh nhà sẽ tiếp tục giành được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ.
Thành quả đạt được hôm nay sẽ là động lực của ngày mai, để Việt Nam trở thành một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á. Trong đó, ngành TT&TT có vai trò quan trọng, góp phần đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển với nền kinh số lớn nhất khu vực Đông Nam Á.