Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ, hiện nay cùng với cả nước, Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng không chỉ đơn thuần đánh giá sự hài lòng mà còn giúp chính quyền địa phương xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải tiến hành đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức bằng phương pháp điều tra xã hội học? Theo cơ quan Nội vụ tỉnh, không chỉ đo lường mức độ hài lòng của người dân, Thái Nguyên còn tiến hành điều tra xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ngành, địa phương nhằm đánh giá thực chất, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công.
Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác CCHC của tỉnh đã được cải thiện rất nhiều, song đâu đó vẫn còn tình trạng gây khó dễ, hách dịch, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân khi đến cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, trong đánh giá chỉ số CCHC cũng như mức độ hài lòng của người dân còn có chỗ chưa thật sự khách quan, thiếu giám sát chặt chẽ. Do vậy, lần này tỉnh sẽ tổ chức điều tra đánh giá trên diện rộng với thời kỳ điều tra được xác định từ 1/9/2019 đến 31/8/2020. Đối tượng điều tra có thể là các cá nhân, người đại diện tổ chức trực tiếp thực hiện giao dịch và đã nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị, địa phương được khảo sát. Ngoài ra, sẽ hướng đến các đối tượng khác theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ trên cơ sở lập danh sách điều tra xã hội học của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để đảm bảo tính khách quan, chính xác, đúng quy định, tỉnh giao Sở Nội vụ lựa chọn đơn vị độc lập tham gia điều tra và phối hợp tổ chức tập huấn đối với đội ngũ điều tra viên. Nghiên cứu đưa ứng dụng phần mềm điện tử vào khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ giữ vai trò kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình điều tra. UBND tỉnh yêu cầu, các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc phối hợp thực hiện, không được cản trở hoạt động điều tra, không được định hướng, can thiệp vào việc trả lời phiếu, kết quả trả lời phiếu của người dân, tổ chức...
Việc tổ chức lấy phiếu điều tra xã hội học để đo lường sự hài lòng và xác định chỉ số CCHC của tỉnh lần này cho thấy tính cấp thiết đòi hỏi chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của tỉnh phải được đánh giá một cách thực chất, khách quan nhất. Từ đó, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của cả cộng đồng xã hội. Kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương năm 2020 sẽ được công bố một cách rộng rãi theo quy định.