Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho các ĐVSNCL tạo động lực phát huy sự sáng tạo trong hoạt động… là xu thế tất yếu. Tuy vậy, để việc này được thực hiện hiệu quả, rất cần có những cơ chế phù hợp…
Toàn tỉnh hiện có 811 ĐVSNCL. Trong số 811 ĐVSNCL hiện nay có 33 đơn vị tự đảm bảo hoàn toàn chi thường xuyên (tăng 3 đơn vị so với năm 2019); 161 ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. |
Thành lập vào cuối năm 2016, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên hiện có 59 cán bộ, viên chức. Từ thời điểm đi vào hoạt động, Ban đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Ban cho biết: Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Ban đã tích cực, chủ động tìm kiếm việc làm để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, người lao động. Năm 2019, doanh thu ngoài ngành từ sự năng động của Ban trong tìm kiếm việc làm chiếm khoảng 27% trong tổng số doanh thu của đơn vị; đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Tổng số nguồn vốn được cấp năm 2020 của Ban là 243.623 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến 31/7/2020 đạt 47,1% kế hoạch vốn; ước giải ngân đến 30/9/2020 đạt 70% kế hoạch vốn.
Còn đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2020. Theo ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án: Mặc dù mới thực hiện song chúng tôi nhận thấy chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong công tác quản lý tài chính. Cán bộ, viên chức trong đơn vị có ý thức cao trong việc quản lý và sử dụng kinh phí. Mọi người thực hiện công việc tích cực hơn, có trách nhiệm hơn. Đơn vị được chủ động về nguồn kinh phí để bố trí nhân sự và phân công công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của từng cán bộ.
Phải khẳng định, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, các ĐVSNCL đã được trao quyền tự chủ, từ tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, biên chế đến tài chính đã khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tăng thu, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động, tái đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ khó khăn, vướng mắc đó là: Một số dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang được áp dụng nhiều hình thức tổ chức quản lý dự án khác nhau tùy theo quy mô của dự án, nhiều chủ đầu tư khác nhau, chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 62 và Khoản 2 Điều 63 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13: Có dự án giao cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành làm chủ đầu tư, có dự án lại giao cho các sở, UBND các huyện làm chủ đầu tư. Việc thực hiện chưa thống nhất trên địa bàn tỉnh và chưa phù hợp với quy định như trên ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, nguồn thu nhập và khả năng tự chủ của các ban quản lý dự án chuyên ngành.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư các dự án do UBND tỉnh giao, để đảm bảo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, Ban phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài để cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các Chủ đầu tư khác. Do đặc thù, bị trói buộc bởi các quy định của ĐVSNCL, khả năng tự chủ về tài chính, về điều hành còn hạn chế nên khó cạnh tranh được với cách doanh nghiệp cùng lĩnh vực khi thực hiện tìm kiếm nguồn việc bên ngoài.
Đồng quan điểm trên, ông Bùi Tiến Chính cho rằng: Ban được thành lập năm 2017, sau khi kế hoạch trung hạn giai đoạn năm 2016-2020 đã được giao nên số dự án được giao làm chủ đầu tư còn hạn chế. Mặt khác các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh trong các năm qua đa số là các công trình có quy mô nhỏ, chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, do vậy nguồn thu từ công tác ủy thác quản lý dự án của Ban quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Để hoạt động quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn ổn định, chuyên nghiệp, chuyên trách; nâng cao chất lượng, kỹ, mỹ thuật công trình; đản bảo cho Ban tự chủ về tài chính, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Những khó khăn của hai ban quản lý nêu trên cũng là thực trạng chung của những ĐVSNCL đang thực hiện tự chủ tài chính. Vì vậy, các sở, ngành liên quan cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Tuy còn nhiều khó khăn, song quan điểm của tỉnh là tiếp tục rà soát, phân loại những đơn vị nào đủ điều kiện thì chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị tự chủ toàn phần để giảm gánh nặng cho ngân sách và tăng tính chủ động cho các đơn vị.