10 thành tựu nổi bật tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020

14:59, 11/10/2020

Nhiệm kỳ 2015-2020, Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. TNĐT xin điểm lại những thành tựu đó.

1. Xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
 
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã tập trung trí tuệ tập thể xây dựng định hướng cho cả nhiệm kỳ với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thực hiện Đề án số 09 và Kế hoạch số 79 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, toàn tỉnh giảm 20 đầu mối trực thuộc các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, 93 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, 173 lãnh đạo từ cấp phòng và tương đương trở lên. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được thực hiện hiệu quả trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Các lĩnh vực: Tuyên giáo, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, công tác dân vận, nội chính được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chú trọng xây dựng tổ chức, đến nay, tỷ lệ đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội đạt bình quân 81,86%.
 
2. Hoạt động của HĐND và UBND có nhiều đổi mới
 
Cùng với các địa phương trong cả nước, Thái Nguyên tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%. Hoạt động của HĐND tỉnh và HĐND các cấp có nhiều đổi mới. Với 224 nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành trong nhiệm kỳ, 48 cuộc giám sát chuyên đề, 289 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh với trên 28.000 lượt cử tri đã thể hiện được năng lực, trình độ, trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Hoạt động của UBND các cấp tiếp tục được đổi mới  hiệu lực, hiệu quả; đề cao đạo đức công vụ và văn hóa công sở; đồng thời chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính các cấp bình quân hằng năm đạt trên 90%. Thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa T.P Thái Nguyên và 3 huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 178 xã, phường, thị trấn...
 
3. Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt mục tiêu nghị quyết
 
9/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có các chỉ tiêu tạo dấu ấn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô Hà Nội, đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm, về trước mục tiêu Nghị quyết 2 năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm, từ 7.484 tỷ đồng (năm 2015) lên 15.555 tỷ đồng năm 2020 (gấp 2,1 lần so với năm 2015), với kết quả này,  trong 5 năm liên tiếp, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 17 trong cả nước về thành tựu thu ngân sách. 
 
4. Cải cách hành chính hiệu quả, thu hút nhiều dự án lớn
 
Thái Nguyên đã khẳng định năng lực điều hành của chính quyền trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính với các chỉ số liên tục được cải thiện (Năm 2019: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI xếp thứ 12/63, tăng 6 bậc so với năm 2018, đứng thứ nhất trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Chỉ số cải cách hành chính -  Par Index xếp thứ 14/63, tăng 4 bậc so với năm 2018).  Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh đã thực hiện liên thông văn bản điện tử được tích hợp chữ ký số từ các sở, ban, ngành và các đơn vị hành chính, liên thông hồ sơ một cửa, hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài 156 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8,3 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp. Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tổ chức năm 2018 đến nay đã có 41 nhà đầu tư đang triển khai 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 108.961 tỷ đồng. Hiện có 29/53 dự án đã hoàn thành về thủ tục đầu tư; 24/53 dự án đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư... 
 
5. Diện mạo đô thị kết cấu kinh tế kỹ thuật nhiều khởi sắc
 
Kết thúc nhiệm kỳ, T.P Sông Công trở thành đô thị loại II, T.X Phổ Yên trở thành đô thị loại III, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) trở thành đô thị loại IV. Với gần 30 tuyến cao tốc, Quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/6 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng; 23/35 cụm công nghiệp được hình thành. Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu xóa xóm trắng về điện, về trước kế hoạch 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, nâng tỷ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,83%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch là 97%. Tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%. 
 
6. Nhiều công trình dự án trọng điểm mang dấu ấn
 
8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ cơ bản được thực hiện có hiệu quả. Các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai đồng bộ và quyết liệt như: Khai thác và đưa vào sử dụng cầu Bến Tượng; Dự án KCN Sông Công II, KCN Điềm Thụy, Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài. Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - T.P Thái Nguyên. Đặc biệt, Dự án tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hoàn thành đã trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Trong nhiệm kỳ, Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã được xây dựng mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, tạo điểm nhấn trong không gian đô thị của T.P Thái Nguyên; Dự án Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình tháp ăng ten truyền hình đang được đầu tư xây dựng trở thành công trình văn hóa kỹ, mỹ thuật tôn vinh diện mạo T.P Thái Nguyên... 
 
7. Dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới
 
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 6 xã so với mục tiêu. Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Chăn nuôi phát triển nhanh theo hướng tập trung, trang trại, an toàn sinh học. Trong 5 năm toàn tỉnh đã trồng mới được gần 31.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,18%. Cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 103 triệu đồng, bình quân tăng khoảng 4%/năm. Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” đã thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cho hơn 170 sản phẩm đặc trưng của các địa phương. 
 
8. Văn hóa - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội
 
Với chủ trương hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho 100% gia đình đảng viên từ 50 tuổi Đảng trở lên thuộc diện khó khăn về nhà ở, Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là 1 trong số ít tỉnh có cách làm hay, sáng tạo tri ân những đảng viên đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2020 có 84,04% số trường đạt chuẩn quốc gia, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú đạt 8%. 3 năm liên tiếp Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả Tuần cao điểm “Tết vì người nghèo” huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,21% năm 2016 xuống còn 3,1%  năm 2020. Hằng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho trên 21.500 lao động. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm. Công tác phòng chống các dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS - Cov2. Lần đầu tiên Thái Nguyên dành nguồn lực 100 tỷ đồng ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2016 - 2021 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ với Đại học Thái Nguyên. Đẩy mạnh ứng dụng tin học, cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động chỉ đạo điều hành...  Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm, ưu tiên tiên tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng...
 
9. Quốc phòng - an ninh được giữ vững
 
Công tác cải cách tư pháp ngày được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được củng cố, kiện toàn. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật, chất lượng được nâng cao. Nhiệm kỳ 2015-2020, Thái Nguyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và diễn tập phòng thủ tại các địa phương. Công tác động viên quân dự bị, tuyển quân bảo đảm 100% chỉ tiêu. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định, tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội đạt 84,8%.  Hoàn thành Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh”, với 146/146 xã, thị trấn được bố trí Công an chính quy, đạt tỷ lệ 100%...
 
10. Công tác đối ngoại được tăng cường, nâng tầm vị thế tỉnh Thái Nguyên
 
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, hoạt động đối ngoại được mở rộng, củng cố, tăng cường trên các lĩnh, góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác văn hóa đối ngoại và thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện chủ động và tích cực, an ninh đối ngoại cơ bản được bảo đảm. Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và có hiệu quả. Những kết quả trong công tác đối ngoại và ngoại giao đã góp phần nâng tầm vị thế và uy tín của Thái Nguyên.