Lan toả phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Nông dân

09:39, 31/10/2020

Giai đoạn 2015-2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, qua đó tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực tham gia sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Xác định phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và các hoạt động hỗ trợ hội viên. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội nông dân trong tỉnh tổ chức trên 8.500 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho gần 600 nghìn lượt hội viên, nông dân và 405 lớp dạy nghề cho 13.000 lượt người.

Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, Hội còn nhận ủy thác nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo đó, Hội các cấp đã tín chấp vay vốn ngân hàng cho trên 26.000 hộ hội viên vay với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và triển khai 74 dự án, 847 hộ vay với kinh phí trên 34 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 nghìn lượt hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Giang, xóm Khuân Lâm, xã Hợp Thành (Phú Lương), từ một hộ nghèo đã vươn lên thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với nguồn vốn 50 triệu đồng ban đầu vay từ Hội Nông dân xã, ông đã từng bước gây dựng được trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô 800 con dúi, 200 con dê, cho thu lãi trên 500 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ mỗi cá nhân hội viên nông dân nỗ lực vươn phát triển kinh tế, mà các hội viên còn liên kết với nhau cùng phát triển cây, con vật nuôi theo vùng.

Năm 2106, 31 hội viên xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã liên kết thành lập Chi hội nghề nghiệp sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 7ha. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năng suất và sản lượng chè búp tươi của các hộ đã đạt trên 100 tấn/ha/năm (trước đây chỉ đạt từ 80-85 tấn/ha/năm), giá trị sản phẩm cũng tăng theo, thu nhập người dân cao hơn 40-50 triệu đồng mỗi năm.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hội viên, nông dân cũng đã phát vai trò được chủ thể của mình. 5 năm qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp 170 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trên 200 nghìn ngày công, hiến 416 nghìn m2 đất. Hội viên, nông dân các địa phương đã tham gia làm mới, duy tu, bảo dưỡng 3.000 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 614 cầu cống, 1.000 km kênh mương nội đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần củng cố, phát triển tổ chức Hội các cấp cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Các phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa lớn trong các cấp Hội đã góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Qua đó lôi cuốn, khích lệ cán bộ, hội viên nông dân phát huy tinh thần yêu nước, sáng tạo, tích cực thi đua lao động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã được Nhà nước, Chính phủ, các cấp, ngành Trung ương, địa phương trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho các tập thể, cá nhân, như: Hội Nông dân tỉnh được trao Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng 11 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân…