Vững bước trên đường phát triển và hội nhập

10:45, 19/10/2020

T.P Thái Nguyên được thành lập ngày 19/10/1962. Trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Thành phố đã giành được nhiều thành quả đáng tự hào. Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề để Thành phố tiếp tục vươn lên, khẳng định mình trên con đường phát triển và hội nhập.

Lật lại trang sử địa phương, năm 1962, từ thị xã nhỏ bé trở thành đô thị loại III, T.P Thái Nguyên chỉ có 6 vạn dân, với 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã. Ngành nghề đơn điệu, tuy được “mệnh danh” là “Thành phố Thép” nhưng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn mới đạt 2 triệu đồng/năm. 

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, 83 tuổi, là một người dân sinh sống trên địa bàn phường Trưng Vương từ rất lâu, bồi hồi nhớ lại: Lúc mới được thành lập, T.P Thái Nguyên nghèo lắm, chỉ có vài dãy phố gần khu vực chợ Thái bây giờ, dọc hai bên các tuyến đường là những ngôi nhà mái lá xập xệ. Tối đến, lèo tèo vài chiếc đèn dầu của mấy bà bán hàng nước... Vậy nhưng, sau 58 năm xây dựng và phát triển, giờ đây, T.P Thái Nguyên đã là một thành phố năng động, hiện đại với nhiều khu đô thị khang trang; các tuyến đường, phố trải nhựa láng mịn, nhộn nhịp người qua lại; hai bên đường san sát nhà cao tầng, siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên; về đêm, đèn điện, đèn trang trí sáng lung linh. Với vị trí địa lý thuận lợi, là đô thị cửa ngõ các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, cùng với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của chính quyền địa phương, trong những năm qua, T.P Thái Nguyên đã đón nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn, có thể kể đến: Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Indevco, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Danko, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Thương mại Thái Hưng…

Cơ cấu kinh tế của T.P Thái Nguyên hiện đang có sự chuyển dịch từ công nghiệp nặng sang phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch. Trong ảnh: Người dân chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ. Ảnh: N.H

Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, T.P Thái Nguyên đã huy động được trên 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện 100 dự án đầu tư phát triển. Mỗi năm, Thành phố cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, như: Hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường trung tân, làm đường Việt Bắc thuộc Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - T.P Thái Nguyên”, vốn vay Ngân hàng Thế giới; Dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Dự án xây dựng khu đô thị, hệ thống vỉa hè, thảm đường, trồng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, đèn trang trí các tuyến phố trong Thành phố, góp phần làm  thay đổi diện mạo đô thị. Thành phố đã từng vinh dự được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là một trong 20 đô thị sáng- xanh - sạch - đẹp của cả nước.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên - một người lính năm xưa, nay là doanh nhân thành đạt sống tại Thành phố, tự hào chia sẻ: Những năm 1980-1985, trong lòng Thành phố hiếm lắm mới có một ngôi nhà mái bằng, nhà hai tầng, nhưng nay T.P Thái Nguyên khang trang, hiện đại không thua kém các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Còn ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Dạ Hương cho biết: Công ty của chúng tôi chuyên kết nối, phát triển các tua, tuyến du lịch và phục vụ du khách lưu trú tại Thành phố. Mỗi khi du khách trong và ngoài nước đến với T.P Thái Nguyên, họ đều hài lòng, nhận xét Thành phố rất đẹp, con người thân thiện, cởi mở.

Không chỉ phát triển đô thị, hiện nay, kinh tế của Thành phố cũng có sự bứt phá ngoạn mục và chuyển dịch cơ bản. Từ một thành phố có cơ cấu kinh tế nghiêng về phát triển công nghiệp nặng, thì nay Thành phố tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội để phát triển đa lĩnh vực, đa ngành nghề để thực hiện mục tiệu phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Thương mại - dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo nhưng cũng không quên khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố những năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 5 năm (từ 2015-2020), bình quân hằng năm Thành phố có mức tăng trưởng kinh tế đạt 15,1%; thu ngân sách đạt sấp sỉ 2.000 tỷ đồng mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 102 triệu đồng/người/năm, Cùng với thành quả trong phát triển kinh tế đô thị, kinh tế vùng nông thôn cũng có những bước tiến vượt bậc. Ngày 05/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận T.P Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

T.P Thái Nguyên hôm nay đã trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh, có địa giới hành chính được mở rộng với 32 đơn vị xã, phường (trong đó có 21 phường và 11 xã), tổng diện tích tự nhiên là 222,93km2, dân số gần 37 vạn người. T.P Thái Nguyên được biết đến tập trung nhiều cơ sở, trung tâm khám chữa bệnh hiện đại; là cái nôi giáo dục đào tạo lớn thứ 3 của cả nước; hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, đặc biệt từ khi có tuyến cao tốc (Quốc lộ 3 mới), từ T.P thái Nguyên đi đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) chỉ hết khoảng một giờ đồng hồ…Trên địa bàn hiện có trên 4.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động, kinh doanh hiệu quả.

T.P Thái Nguyên - “Thành phố Thép” - với truyền thống Anh hùng trong chiến đấu, sánh tạo trong lao động; con người luôn thân thiện, cùng với đó là cơ chế cởi mở của chính quyền địa phương đã tạo nên thành quả phát triển, đổi mới trong 58 năm qua. Thành quả trên rất đỗi tự hào và cũng là cơ sở, tiền đề để T.P Thái Nguyên tiếp tục vươn lên, khẳng định mình trên con đường phát triển và hội nhập.