Hiện tượng “đất tặc” tái diễn ở nhiều nơi tại huyện Phú Bình được Báo Thái Nguyên phản ánh qua bài viết: Tái diễn tình trạng khai thác đất trái phép tại Phú Bình, số ra ngày 19-11, đã thu hút sự quan tâm của dự luận. Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng này qua đường dây nóng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, ông Nguyễn Minh Tuấn khẳng định huyện đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt để ngăn chặn nhưng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Sáng 20-11, đến một số điểm có hiện tượng khai thác đất trái phép tại xã Điềm Thụy (đối diện Công ty May TDT, gần Trường THCS Điềm Thụy…), phóng viên ghi nhận sự yên ắng. Tuy nhiên, hiện trạng của nhiều vị trí đã bị biến đổi mạnh, đất bị múc nham nhở, có cả những dấu vết cũ và mới. Ông Đ. - một người dân sống gần hiện trường cho biết: Họ thường tổ chức khai thác, vận chuyển đất vào ban đêm, những ngày gần đây có giảm mật độ so với trước.
Ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy thừa nhận trên địa bàn có việc khai thác đất trái phép. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, xã đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và quản lý tài nguyên khoáng sản, do Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm Tổ trưởng. Tổ đã phát hiện, lập biên bản 2 trường hợp và chuyển hồ sơ đề nghị cấp trên xử lý. Với những điểm có dấu hiệu khai thác đất trái phép do phóng viên cung cấp thông tin, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy khẳng định sẽ lập tức cho kiểm tra.
Cũng trong sáng 20-11, có mặt tại điểm khai thác đất trái phép ở xóm U và xóm Đồng Ca, xã Tân Hòa, chúng tôi thấy việc khai thác đã tạm dừng. Ông Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Xã đã kiểm tra và lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với ông Hùng Văn Quyền vì khai thác, vận chuyển đất trái phép ở xóm Đồng Ca. Một trong những khó khăn đối với chính quyền cấp xã là thẩm quyền xử phạt thấp (từ 5 triệu đồng trở xuống) nên không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức của người dân về chấp hành pháp luật đất đai còn hạn chế.
Còn tại điểm khai thác đất trái phép ở xóm Mỏn Hạ, xã Tân Kim, hoạt động khai thác vẫn tiếp diễn trong sáng 20-11 khi phóng viên có mặt. Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim nói: Vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Tô Văn Quý (chủ sử dụng đất) có đơn xin cải tạo, hạ thấp độ cao để làm nhà và trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, ông Quý không thực hiện đúng cam kết và cho vận chuyển đất đi nơi khác nên xã đã yêu cầu dừng. Chúng tôi sẽ sớm cho kiểm tra lại và xử lý nghiêm nếu khẳng định đó là vi phạm…
Trên phạm vi toàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Hiện vẫn xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép tại một số địa phương như báo chí và người dân phản ánh. Các đối tượng thường lén lút tổ chức khai thác, vận chuyển vào ban đêm khiến việc phát hiện, xử lý gặp khó khăn. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng trước hết là do nhu cầu đất san lấp trên địa bàn ngày càng lớn, có cầu ắt có cung. Trong khi đó, số lượng mỏ đất được cấp tại huyện vẫn dừng ở con số 3. Dù trữ lượng 3 mỏ đã được cấp phép lớn nhưng việc vận chuyển đến nhiều vị trí xa khiến giá thành lên cao cũng là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh các điểm khai thác trái phép tại nhiều nơi. Mặt khác, thẩm quyền xử phạt của cấp huyện, cấp xã thấp khiến một số đối tượng “nhờn luật”.
Nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác đất trái phép, huyện Phú Bình đã đề nghị các cấp, ngành chức năng xem xét cấp thêm mỏ đất trên địa bàn, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình cấp phép. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về chấp hành pháp luật đất đai.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, việc cấp phép mỏ đất hiện nay thực hiện giống quy trình cấp mỏ khai thác các loại khoáng sản khác là bất cập và phải mất nhiều tháng (trong khi có tỉnh, việc cấp phép khai thác đất ngắn hạn chỉ mất hơn 20 ngày). Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng này, UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo các cấp, ngành liên quan vào cuộc ngăn chặn nạn khai thác đất trái phép; nhắc nhở, chấn chỉnh Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy; tạm giữ 1 máy xúc và đang xem xét xử lý 3 vụ việc. Ngày 14-9 vừa qua, huyện đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành về quản lý tài nguyên khoáng sản…
Có thể nói, hoạt động khai thác đất trái phép tái diễn ở nhiều nơi tại huyện Phú Bình có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Được biết, ngay từ đầu năm, chủ tịch UBND các xã đều ký cam kết về trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản với chủ tịch UBND huyện. Do đó, trong khi chờ sự điều chỉnh cơ chế, chính sách quản lý theo hướng phù hợp hơn, các cấp, ngành liên quan, nhất là cấp xã cần thể hiện rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.