Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin thất thiệt

07:26, 20/02/2021

Cơ quan Công an tỉnh vừa xác minh, làm rõ các đối tượng đăng tải trên mạng xã hội văn bản giả mạo Công văn của UBND tỉnh (ngày 15-2), về việc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn được tiếp tục nghỉ học do dịch COVID-19. Từ vụ việc trên cho thấy, dù đã có nhiều trường hợp bị xử phạt với các lỗi vi phạm tương tự, nhưng vẫn còn không ít người vi phạm quy định về thông tin trên không gian mạng.

Theo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông bức ảnh về văn bản nêu trên là giả mạo, đã được chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải nội dung sai sự thật. Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) đã tiến hành xác minh, truy vết, bước đầu phát hiện 3 tài khoản đăng tải, chia sẻ thông tin trên. Tại cơ quan Công an, các đối tượng thừa nhận lấy thông tin trên mạng xã hội chưa kiểm chứng tính chính xác, sau đó đăng tải, chia sẻ, mục đích thông báo cho mọi người biết lịch nghỉ học của học sinh liên quan đến phòng, chống dịch. Phòng An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục xác minh, mở rộng, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, đầu tháng 2-2021, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính năm triệu đồng đối với anh L.T.Đ, 30 tuổi, hộ khẩu thường trú tại phường Cải Đan (T.P Sông Công) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận. Theo đó, chiều 28/1/2021, anh Đ. dùng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân đăng tải thông tin: "COVID đi hát có tay vịn luôn" kèm theo hình ảnh chụp nội dung “Lịch trình di chuyển của BN Phạm Anh Tuấn: 18/11/1993 đi hát karaoke có tay vịn”. Tại cơ quan Công an, anh Đ. đã nhận thức được việc đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận và công khai xin lỗi, gỡ bỏ thông tin, cam kết không tái phạm.

Thời điểm cuối năm 2020, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phát hiện tài khoản facebook “Cuc Huong Cuc” đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 “Phổ Yên Thái Nguyên có người mắc bệnh rồi ạ. Mọi người đi làm công ty nhớ đeo khẩu trang nhé”. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Mông Thị Cúc ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa đã nhận rõ những sai phạm, tự gỡ bỏ bài viết và nộp phạt 10 triệu đồng theo quy định.

 Không thể phủ nhận những lợi ích, mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại. Tuy nhiên, mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người dùng, đó là người tiếp cận những thông tin thiếu lành mạnh, tin giả - tác hại thật. Hiện nay, có nhiều người còn khá mơ hồ và thiếu kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội. Không ít trường hợp cho rằng với tài khoản cá nhân thì có quyền đăng tải mọi thông tin, thậm chí cả thông tin sai sự thật hoặc chia sẻ nội dung không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý hoặc phục vụ bán hàng. Làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, chúng tôi được biết trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh (Phòng An ninh chính trị nội bộ) thực hiện rà soát và phát hiện xử lý 10 trường hợp tung tin sai sự thật về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền phạt gần 100 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, từ giai đoạn đầu chống dịch COVID-19 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý hàng chục vụ vi phạm, góp phần ngăn ngừa hiệu quả thông tin sai sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và của chính người dân. Hiện nay, tính chất phức tạp của dịch bệnh nhiều hơn, do đó mọi người cần nâng cao ý thức, tìm hiểu rõ và cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Ngoài ra, mỗi người cũng cần ý thức trách nhiệm trong việc chia sẻ một thông tin nào đó… tránh gây nhiễu loạn thông tin làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời với 124 điều thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 được cho là đủ sức làm "sạch" không gian mạng. Cụ thể, tại Điều 101 của Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Ngoài phạt tiền, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

 Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty TNHH Hừng Đông, Chi nhánh Thái Nguyên:

"Việc đưa thông tin, chia sẻ các thông tin thất thiệt liên quan đến COVID -19 trong thời gian vừa qua có chiều hướng gia tăng về số vụ và tần suất chia sẻ. Các cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt xử lý, tuy nhiên tình trạng thông tin sai sự thật, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân vẫn chưa được cải thiện. Cá nhân tôi cho rằng với mức xử phạt từ 10 -20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, chia sẻ thông tin bịa đặt chưa đủ sức răn đe. Bởi tác hại của các hành vi thông tin sai sự thật, chia sẻ thông tin giả gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Bên cạnh biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ các thông tin sai sự thật thì chúng ta nên quy định biện pháp xử phạt bổ sung đó là buộc những người vi phạm phải thực hiện lao động công ích mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Để lành mạnh môi trường mạng, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng mạng hợp pháp, lành mạnh, đồng thời hoạch định các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm chủ động, kịp thời hiệu quả trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Đối với những người dùng mạng xã hội cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trên không gian mạng, cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội..."