Đảm bảo môi trường sản xuất và sinh thái

17:00, 15/03/2021

Thời gian qua, một số người dân ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) và vùng phụ cận có ý kiến cho rằng trong quá trình sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Xi măng Quang Sơn gây ô nhiễm môi trường, ngăn tuyến đường dân sinh đi qua khu vực đất của đơn vị quản lý gây khó khăn cho người dân khi đi lại. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đỗ Chí Nguyễn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn)… 

P.V: Đề nghị Tổng Giám đốc cho biết về công nghệ và quá trình xây dựng, sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn?
 
Ông Đỗ Chí Nguyễn: Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và giao cho Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (nay là Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam) - Bộ Công Thương làm chủ đầu tư, được khánh thành vào ngày 25/12/2009.
 
Tổng vốn đầu tư của Dự án hơn 3.500 tỷ đồng với công suất thiết kế 4.000 tấn clinker/ngày, tương đương với 1,51 triệu tấn xi măng/năm. Công nghệ sản xuất bằng lò quay theo phương pháp khô, thiết bị công nghệ sản xuất của hãng FCB.CIMENT (Cộng hoà Pháp) và từ các nước EU, nhóm các nước G7. Do đó, mọi tiêu chuẩn kỹ thuật mà đặc biệt là tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường đều đạt theo tiêu chuẩn châu Âu.
 
Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn được thành lập ngày 1/7/2011, do Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam là chủ sở hữu, có nhiệm vụ khai thác có hiệu quả Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên. Hiện, Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn có 422 cán bộ, công nhân viên. Sản phẩm chính của Công ty là clinker (bán thành phẩm); xi măng các loại phục vụ nội địa và một số loại xi măng xuất khẩu (sản xuất clinker năm 2020 đạt 1.312 nghìn tấn; sản xuất xi măng năm 2020 đạt 810 nghìn tấn). Công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh của Công ty đã ổn định và phát triển. Năng suất lò nung và máy nghiền xi măng đã đạt và vượt công suất thiết kế, chi phí sản xuất giảm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
P.V: Một số người dân có ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
 
Ông Đỗ Chí Nguyễn: Là một đơn vị sản xuất công nghiệp, chúng tôi hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường theo quy định. 
 
Như đã nói ở trên, thiết bị của Công ty được cung cấp bởi các nước EU và nhóm các nước G7, mọi tiêu chuẩn kỹ thuật mà đặc biệt là đảm bảo môi trường đều đạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong quy trình sản xuất, các giải pháp xử lý bụi, khí thải để đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Nhà nước đã được lắp đặt. Cụ thể: Bụi, khí thải phát sinh từ các công đoạn nghiền nguyên liệu, lò nung và công đoạn làm nguội clinker của Nhà máy Xi măng Thái Nguyên được thu gom qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện sau đó xả ra môi trường qua ống khói cao 110m; bụi, khí thải phát sinh từ công đoạn nghiền than và nghiền xi măng và các vị trí chuyển đổi của băng tải được thu gom, xử lý bởi hệ thống lọc bụi tay áo trước khi xả ra môi trường. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng các biện pháp bơm nước tạo sương mù cho tháp điều hòa khí thải và bơm nước tạo mù làm nguội clinker, sử dụng xe bồn phun nước hằng ngày và trồng cây xanh quanh khu vực Nhà máy.
 
Khi hoạt động sản xuất bình thường các thông số bụi, khí thải đều nằm trong quy chuẩn cho phép, điều này được minh chứng qua kết luận của các đợt kiểm tra của địa phương và thanh tra của các bộ, ngành chức năng. Trường hợp thiết bị sản xuất gặp sự cố thì hệ thống xử lý khí thải có thể gián đoạn hoạt động tức thời cộng với gió tự nhiên thì bụi, khí thải có thể phát tán phần nào ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, thông thường, Nhà máy đều xử lý dứt điểm trong vòng 5 đến 10 phút nên việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh không nhiều.
 
P.V: Đề nghị ông cho biết tuyến đường dân sinh đi qua địa phận quản lý của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn có ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh?
 
Ông Đỗ Chí Nguyễn: Trước đây, UBND huyện Đồng Hỷ có công văn đề nghị về việc sử dụng phần đất hành lang bảo vệ phía Tây Nhà máy Xi măng Thái Nguyên làm đường đi lại với mục đích phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phía sau Nhà máy. Để tạo điều kiện đi lại cho nhân dân, Tổng Công ty đã tạm thời chấp nhận việc mở đường với điều kiện Nhà máy sẽ thu lại phần diện tích này khi có nhu cầu sử dụng.
 
Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngoài mục đích làm đường dân sinh thì có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng con đường này để vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện vận tải cỡ lớn dẫn đến hỏng đường nhưng không ai quản lý nên ngày càng xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ làm hỏng hàng rào và các hạng mục phụ trợ của công trình; hệ thống hầm cáp điện ngầm của Nhà máy. Việc hư hỏng tuyến đường dân sinh kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho Công ty. Đặc biệt, những phương tiện vận tải chạy qua còn gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn trầm trọng, ảnh hưởng đến công nhân của Nhà máy cũng như môi trường sinh hoạt của nhân dân trong khu vực. Một số người đã khiếu kiện lên các cơ quan chức năng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
 
P.V: Về vấn đề này, đơn vị có kiến nghị gì với chính quyền địa phương để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân nhưng cũng đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?
 
Ông Đỗ Chí Nguyễn: Công ty đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhanh chóng có phương án mở đường dân sinh mới để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Trong thời gian chờ phương án giải quyết từ UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty đã mở một phần đường tạo điều kiện cho người dân đi lại. Nhưng nếu xe tải trọng lớn tiếp tục vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường dân sinh này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, an toàn tài sản của đơn vị nên chúng tôi đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ và xã Quang Sơn có trách nhiệm, giải pháp ngăn chặn cũng như chịu trách nhiệm về các sự cố xảy ra đối với công trình hầm cáp điện ngầm của Nhà máy và môi trường sinh hoạt của nhân dân khi xe tải đi qua.
 
P.V: Xin cảm ơn Tổng Giám đốc!