Thực tế những năm gần đây cho thấy, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số điểm nóng giảm, cơ bản các chỉ tiêu lớn đều trong giới hạn cho phép, tình trạng bức xúc của người dân về môi trường cũng giảm. Tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, nên áp lực về vấn đề môi trường ngày một gia tăng. Vì vậy, BVMT vẫn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.
Đề án BVMT trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng và dành nguồn lực triển khai thực hiện từ nhiều năm qua, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đưa hoạt động BVMT đi vào nền nếp, đúng quy định; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường; cụ thể hóa các chủ trương, quy định của pháp luật về BVMT… Đề án được các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Tinh thần quyết liệt này thể hiện rõ nhất qua công tác kiểm soát ô nhiễm bằng hoạt động thanh, kiểm tra, mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường tại các điểm nóng; tăng cường ứng dụng công nghệ để theo dõi, giám sát các nguồn thải và diễn biến chất lượng môi trường.
Hoạt động thanh, kiểm tra về BVMT được tăng cường theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao (khai thác, chế biến khoáng sản; luyện kim; sản xuất xi măng; giấy; trang trại chăn nuôi). Các hình thức kiểm tra được áp dụng linh hoạt, chú trọng kiểm tra chuyên đề, liên ngành, lấy mẫu đột xuất để đảm bảo tính khách quan, kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức 1.625 cuộc thanh, kiểm tra về môi trường (tăng 12,3% so với 5 năm trước), xử phạt 231 cơ sở với tổng số tiền 11,6 tỷ đồng (tăng 29% so với 5 năm trước), phát hiện và xử lý 20 vụ đổ chất thải trái phép ra môi trường.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã thiết lập đường dây nóng để thường xuyên, kịp thời tiếp nhận thông tin về môi trường. Các phản ánh, kiến nghị của người dân cơ bản được giải quyết, hạn chế nảy sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Tình hình môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I là ví dụ điển hình. Nhiều năm gần đây không còn tình trạng người dân “bao vây” nhà máy, tập trung phản đối, khiếu kiện đông người về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Mùa, Giám đốc Công ty CP Thép Toàn Thắng cho biết: Khi mới đi vào sản xuất thử nghiệm cách đây gần 10 năm, hệ thống xử lý khí thải của Công ty sử dụng công nghệ cũ và chưa hoàn chỉnh nên có lúc xả thải vượt tiêu chuẩn. Sau khi được các cấp, ngành chức năng thanh, kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở và tự xác định phát triển bền vững nên chúng tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống BVMT hiện đại.
Công nhân Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy) trồng cây xanh xung quanh nhà máy mới xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp. Ảnh: Tư liệu.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, nhìn chung ý thức tự giác chấp hành pháp luật về BVMT của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đại đa số người dân ngày càng được nâng lên. Ông Nguyễn Bá Huynh, Phó Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) chia sẻ: Công tác BVMT, an toàn lao động luôn được chúng tôi xác định có tầm quan trọng ngang hàng với hoạt động sản xuất. Mỏ tiến hành tưới nước thường xuyên nhằm hạn chế bụi trên các tuyến đường vận tải, trồng nhiều cây xanh, đồng thời chấp hành tốt việc quan trắc môi trường, kiểm soát các nguồn thải.
Ngoài ra, còn nhiều chuyển biến tích cực trong công tác BVMT của tỉnh những năm gần đây có thể kể đến như: Công tác thẩm định để sàng lọc những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ngày càng chặt chẽ; thu hút được nhiều dự án xử lý chất thải với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án ngoài ngân sách đạt tổng công suất xử lý gần 9.000 tấn rác/ngày; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng dần, riêng T.P Thái Nguyên đạt trên 95%; hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị đã từng bước được đầu tư, nâng tỷ lệ nước thải được xử lý từ 1,7% (năm 2016) lên 12,4% hiện nay; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn luôn là chủ đề nóng, được xác định là nhiệm vụ cấp thiết bởi ảnh hưởng thường xuyên, sát sườn đến xã hội. Mặt khác, vấn đề này còn không ít tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm và vẫn luôn có những nguy cơ thường trực. Cùng với sự phát triển không ngừng của hoạt động sản xuất, dịch vụ trên địa bàn, sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học của tỉnh đang tiếp tục tạo áp lực lớn lên công tác BVMT. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn 2011-2016 là trung bình khoảng 400 tấn/ngày và tăng lên trung bình 800 tấn/ngày từ năm 2016 đến nay, nước thải sinh hoạt cũng tăng lên gấp hơn 2 lần (hiện khoảng 83.000m3/ngày), chưa kể lượng rác, khí thải công nghiệp, rác thải nguy hại cũng gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển công nghiệp. Trong khi đó, tốc độ đầu tư nguồn lực và hạ tầng BVMT chưa theo kịp.
Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (kinh phí thực hiện 360 tỷ đồng) vừa được UBND tỉnh ban hành là một trong những đề án được ưu tiên xây dựng sớm nhất trong giai đoạn mới. Điều đó thể hiện tỉnh đặc biệt coi trọng vấn đề này. Bà Hoàn Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên - Môi trường) thông tin: Đề án đã đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng thực trạng môi trường, những nguy cơ, thách thức về môi trường để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên giải quyết, theo quan điểm BVMT là nền tảng cho phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.