Xây dựng La Bằng thành xã thông minh

07:41, 06/03/2021

La Bằng (Đại Từ) là một trong 2 xã được tỉnh chọn để thực hiện thí điểm chuyển đổi số. So với xã cùng được chọn là Sảng Mộc (Võ Nhai) thì La Bằng có nhiều lợi thế hơn. Đến nay, La Bằng đã có một nền tảng khá vững vàng để tiến tới mục tiêu xây dựng địa phương trở thành thành xã thông minh.

Những điều kiện thuận lợi của La Bằng là: Xã nông thôn mới, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, đời sống của người dân ở mức khá. Sản phẩm chè đặc sản La Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường. Hiện, xã đã hình thành 2 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác sản xuất chè đặc sản, hầu hết các làng nghề chè trong xã đều áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, Viettel, Vinaphone đã phủ sóng đến tận các xóm, các cơ quan, hộ dân đều có thể truy cập internet... Đặc biệt, từ năm 2019, xã đã triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, văn bản liên thông, hệ thống máy tính được trang bị đầy đủ phục vụ hội họp và truy cập văn bản, các ngành, phòng, ban, xóm đều có nhóm zalo để làm việc... Tính trong năm 2020, xã đã thực hiện trao đổi 1.945 văn bản điện tử; cấp 6 chữ ký số, trong đó 5 tổ chức và 1 cá nhân…

Trên cơ sở này, sau khi được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số, xã đã phối hợp với các đơn vị tiếp tục nâng cấp mạng Viettel, Vinaphone đường chuyền vào các cơ quan, UBND xã. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera giám sát hành chính công, cảnh báo xâm nhập, cảnh báo đông người với tổng số 21 camera được đặt tại UBND xã, các trục đường chính, một số hộ dân, chợ, trạm y tế và 3 nhà trường. Bên cạnh đó, UBND xã cũng tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số 167 dịch vụ. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 7 dịch vụ, mức độ 4 là 56 dịch vụ, số dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 10 dịch vụ.

Đến nay, hệ thống một cửa điện tử được vận hành đảm bảo kết nối với cổng dịch vụ công của tỉnh, tổng hồ sơ nhận giải quyết là 1.493 hồ sơ, trong đó 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Hiện, 100% cán bộ công chức xã đã được cấp hòm thư điện tử công vụ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của xã bắt đầu được vận hành từ tháng 12-2020, kết nối phục vụ các phiên họp, học tập nghị quyết... Ngoài ra, xã đã cùng với các đơn vị thực hiện khảo sát để chuẩn bị lắp đặt thiết bị khám chữa bệnh từ xa, nâng cấp phần mềm y tế cơ sở cho Trạm y tế xã, triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè...

Những hoạt động trên đã tác động tích cực đến đời sống người dân địa phương. Anh Đỗ Trọng Hiệp, xóm La Bằng cho biết: Tôi vừa làm giấy khai sinh cho con, thủ tục rất tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, công sức.

 Nếu như trước đây, muốn khai sinh cho con phải ra UBND xã hỏi thủ tục, giấy tờ, sau khi chuẩn bị đầy đủ lại mang đến, lấy tờ khai và điền thông tin vào, rồi nộp tờ khai cùng các giấy tờ cần thiết cho cán bộ làm công tác tư pháp, hộ tịch. Đến thời gian hẹn, lại phải đến UBND xã để lấy giấy khai sinh. Thì bây giờ không cần đi lại, chỉ cần tra cứu thủ tục trên mạng, rồi gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Khi giải quyết xong, giấy khai sinh sẽ được chuyển đến tận nhà.

Không chỉ trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, mà các lĩnh vực khác ở La Bằng đều có sự thay đổi tích cực. Đơn cử như từ khi xã lắp đặt camera tại những nơi công cộng, tình hình an ninh trật tự đi vào nền nếp hơn, người dân biết có sự giám sát cũng chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông hơn trước.

Cùng với cơ sở vật chất, hạ tầng thì trong “cuộc cách mạng” chuyển đổi số, yếu tố con người là rất quan trọng, chính vì thế, đồng chí Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ khi có thông tin xã được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số, tôi đã tìm đọc tham khảo rất nhiều tài liệu, từ chỗ chưa hiểu rõ thế nào là số hóa, thế nào là chuyển đổi số, qua tìm hiểu, tôi đã xác định rõ được những việc mà xã cần làm để thực hiện chuyển đổi số.

Để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ được lợi ích và nhiệm vụ của mình, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức về chỉ dẫn địa lý tại xã; ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; ngoài ra tập huấn cho cán bộ, giáo viên Trường tiểu học và THCS về giáo án điện tử, phần mềm y tế học đường, quản lý đào tạo, báo cáo thống kê...

Với nhiều điều kiện thuận lợi cùng với sự tích cực của xã, chắc chắn xã La Bằng sẽ sớm trở thành xã thông minh. Mặc dù đến nay, chưa có tiêu chí cụ thể về chuyển đổi số, song từ sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, La Bằng đã xác định rõ việc cần làm trong thời gian tới là: Hoàn thiện ứng dụng trung tâm điều hành thông minh theo định hướng chuyển đổi số của Cục Tin học hóa, Sở Thông tin và Truyền thông; hoàn thiện bộ chỉ số kinh tế - xã hội; đưa vào sử dụng ứng dụng trung tâm điều hành thông minh; triển khai phần mềm quản lý dạy và học cho 2 trường tiểu học và THCS...