Bước vào mùa mưa bão, các khu vực khai thác khoáng sản, bãi đổ thải trên địa bàn tỉnh luôn thường trực mối nguy xảy ra sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân. Trước tình hình đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ mỏ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sản xuất an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở khu vực xung quanh.
Nhằm phòng ngừa, ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Công ty Than Núi Hồng - VVMI, trụ sở tại xã Yên Lãng (Đại Từ) đã hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của đơn vị. Trong đó, Công ty yêu cầu các đơn vị sản xuất kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đê bao, thoát nước mặt, kho tàng, nhà xưởng, điện; tổ chức nạo vét, khơi thông mương thoát nước tại các chân tầng khai thác. Ông Lưu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm nay, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tình huống mưa to kéo dài, nước dồn về nhiều và dâng cao gây ngập đê bao khu VI tạo ra hố tụt nước ngầm qua thân đê chảy vào khai trường gây sạt lở tầng, có nguy cơ vỡ đê gây ngập moong khai thác. Vì vậy, trong những ngày có mưa to, chúng tôi yêu cầu Phân xưởng khai thác bố trí 3 máy xúc thủy lực và 1 máy gạt trực để xử lý nguy cơ nước tràn vỡ đê và phân lũ khi cần thiết.
Đối với Công ty CP Đầu tư khai khoáng Bình Sinh, trụ sở tại xã Phú Lạc (Đại Từ), phương án PCTT-TKCN của đơn vị thực hiện theo phương châm “3 trước” (chủ động phòng ngừa trước; phát hiện, xử lý trước; phương tiện và vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ). Ông Nguyễn Trọng Toán, Giám đốc điều hành mỏ khai thác đất sét cao lanh của Công ty cho hay: Năm nay, chúng tôi đã sửa chữa, khai thông dòng chảy, mương nước, các tuyến đường chính vào mỏ, bảo đảm thoát lũ, không để nước ứ đọng gây phá hủy đường vận chuyển cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân xung quanh.
Còn ông Nguyễn Ngọc Huân, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa - VVMI, trụ sở ở xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) thông tin: Đối với điểm khai thác lộ thiên, Công ty chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra khai trường sản xuất, bãi thải và hệ thống suối quanh khai trường để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của các địa phương như Sơn Cẩm, Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) và An Khánh (Đại Từ) kiểm tra các khu vực xung yếu và thông báo cho các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm biết để phòng tránh, sơ tán khi cần thiết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản đang hoạt động. Bên cạnh một số mỏ làm tốt công tác PCTT-TKCN thì vẫn còn có một số đơn vị chưa thực hiện hiệu quả công tác này. Đặc biệt, vẫn tồn tại một đố điểm có nguy cơ ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản như: Mỏ than của Công ty CP Yên Phước, ở các xã Phú Cường, Na Mao (Đại Từ); hồ chứa bùn thải Bàn Cờ của Mỏ sắt Tiến Bộ ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên); bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa tại xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên); Bãi đổ thải của Mỏ than Phấn Mễ ở xã Phục Linh (Đại Từ); đập Quặng Đuôi, của Mỏ sắt Trại Cau ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ)…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khu vực xung quanh.
Sống ở khu vực chân bãi thải của Công ty CP Yên Phước, gia đình bà Long Thị Hoa, xóm Ao Soi, xã Na Mao (Đại Từ) luôn lo lắng về tình trạng sạt lở đất đá có thể xảy ra trong mùa mưa bão (ảnh chụp trước 27/4/2021).
Bà Long Thị Hoa, một hộ dân xóm Ao Soi, xã Na Mao (Đại Từ) lo lắng: Trước cửa nhà tôi là bãi đổ thải của Công ty CP Yên Phước, bên cạnh là suối nên mỗi khi mưa to, nước chảy xối xả từ trên núi xuống khiến gia đình tôi luôn sống trong lo sợ. Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao nói: Hiện nay, xã có 6 hộ dân với 17 nhân khẩu đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời tạm thời các hộ trong những ngày mưa to và duy trì lực lượng trực cảnh giới, không cho người dân ra vào khu vực nguy hiểm. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị Công ty CP Yên Phước có phương án hỗ trợ bà con di chuyển đến nơi an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh: Hàng năm, chúng tôi đều tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản xây dựng phương án PCTT-TCKN; trong đó, đưa ra các tình huống giả định có nguy cơ xảy ra mất an toàn và giải pháp xử lý, khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân sống ở khu vực xung quanh. Cùng với đó, trong những ngày mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các khai trường khai thác và bãi thải. Khi phát hiện phát hiện các vị trí có nguy cơ mất an toàn, yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp xử lý, khắc phục ngay.
Trong mùa mưa bão năm nay, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp, công tác thanh, kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những đơn vị vi phạm. Về phía chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường giám sát, vận động người dân di dời khỏi các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, các hộ dân sống cạnh khu vực khai thác khoáng sản cũng cần chủ động theo dõi thông tin tình hình thời tiết và chủ động các biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.