Đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở

08:44, 06/05/2021

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm có nguy cơ bị sạt lở, gây mất an toàn cho người dân. Trước thực trạng trên, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đã đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn đối với người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở.

Ông Dương Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Đại Từ có 11 xã, thị trấn nằm ngay dưới chân của sườn Đông dãy núi Tam Đảo (thuộc vòng cung Tam Đảo). Mỗi khi lượng mưa dồn về lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở khu vực này luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sinh sống ở dưới chân đồi, núi, chân bãi thải của mỏ than Yên Phước (thuộc các xã Na Mao, Phú Cường, Minh Tiến), mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh) đều phải đối mặt với nguy cơ xảy ra sạt trượt cao. Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2016 đến nay, huyện đã di dời và hỗ trợ san gạt, giật cấp ta luy dương đối với khoảng 70 hộ dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở...

Không chỉ ở Đại Từ, với tỷ lệ đồi núi chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, nguy cơ sạt, lở đất cũng luôn tiềm ẩn trên địa bàn huyện Võ Nhai. Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Qua rà soát, trên địa bàn huyện có gần 700 hộ dân sinh sống dưới chân đồi, núi, ta luy dương lớn, có nguy cơ sạt lở. Trong những năm qua, ở một số khu vực đã xuất hiện tình trạng đá lăn từ trên núi xuống gần khu vực dân cư sinh sống, gây nguy hiểm cho người dân, như ở xóm Chịp, xã Bình Long; Làng Giai, xã La Hiên và một số xã nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai còn nhiều tuyến đường như: Cúc Đường - Thần Sa; Cúc Đường - Thượng Nung - Sảng Mộc; Sảng Mộc - Nghinh Tường, Phương Giao - Xuất Tác cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đá lăn. Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở các khu vực này, trước mùa mưa bão hàng năm, huyện Võ Nhai đều chỉ đạo các địa phương khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở, lũ quét để xây dựng phương án ứng phó phù hợp. Tuy vậy, với số lượng hộ nằm trong vùng ảnh hưởng nhiều, ngân sách huyện và điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc di dời đến nơi an toàn gặp nhiều khó khăn…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh): Do có nhiều đồi núi cao với độ dốc lớn nên một số khu vực ở các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng một số khu tái định cư để thực hiện di dời hàng trăm hộ dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, qua rà soát, toàn tỉnh vẫn còn hơn 3.200 hộ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, lũ quét, trong đó, hơn 600 hộ cần phải di dời. Với các hộ này, tỉnh sẽ ưu tiên di dời khẩn cấp đối với các trường hợp nằm trong vùng nguy hiểm cao. Các hộ còn lại sẽ được di dời theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, các địa phương cũng sẽ hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn bằng cách hạ, giật cấp ta luy để chống sạt lở. Cùng với đó, chúng tôi khuyến cao người dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở cần chủ động, nâng cao cảnh giác khi có dấu hiệu bất thường ở khu vực dân cư của mình hoặc khi thời tiết có mưa to kéo dài.