Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

07:12, 05/06/2021

Từ việc các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khu vực vẫn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm môi trường, thậm chí có khả năng trở thành “điểm nóng” mới. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu tỉnh phải triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa những giải pháp BVMT nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Các kế hoạch, đề án BVMT của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2025 đặt ra những vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, trọng tâm là xử lý chất thải; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu, cụm công nghiệp; chú trọng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nguồn thải từ hoạt động sản xuất; giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường… Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% rác thải sinh hoạt đô thị, 80% rác thải sinh hoạt nông thôn, 100% rác thải y tế, 100% chất thải nguy hại được xử lý theo quy định; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý, giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp; giảm tỷ lệ sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ dân sinh, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại...

Đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí, tỉnh đặt mục tiêu 100% các cơ sở sản xuất trong danh mục quy định thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; giảm thiểu ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông; 100% cơ sở sản xuất thuộc danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lắp đặt và duy trì hệ thống xử lý khí thải đảm bảo quy định. Về nước thải, phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng và đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 50% nước thải sinh hoạt các đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn, 100% trang trại chăn nuôi tập trung có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định; 95% số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…

Việc phân loại rác thải tại nguồn, chuyển đổi công nghệ xử lý để góp phần bảo vệ môi trường sẽ được tỉnh chú trọng hơn trong thời gian tới. Trong ảnh: Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.

Căn cứ vào tình hình thực tế, trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp, chăn nuôi của tỉnh đang trên đà phát triển khá nhanh, các nguồn phát thải ngày càng nhiều, áp lực với môi trường tiếp tục tăng thì việc thực hiện các mục tiêu trên là không dễ dàng. Ngoài ra, nguồn lực dành cho công tác BVMT còn eo hẹp; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp chưa tốt cũng khiến công tác này thêm khó khăn. Vì vậy, trong số những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BVMT thời gian tới, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về môi trường được tỉnh đặt lên hàng đầu. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức, hướng tới tất cả các tầng lớp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện ý thức BVMT của người dân. Đây được coi là giải pháp thường xuyên và bền vững nhất trong BVMT.

Giải pháp tiếp theo mà ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng rất quan trọng để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm là tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường. Thời gian tới, công tác thanh, kiểm tra sẽ được ngành chức năng của tỉnh triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bởi thực tế có không ít chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chăn nuôi cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thực hiện quy định về BVMT để giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, tình trạng xả thải trộm, chậm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và xây dựng các hạng mục BVMT mang tính đối phó… còn khá phổ biến. 5 năm qua (2016-2020), các cấp, ngành chức năng đã tiến hành trên 1.600 cuộc thanh, kiểm tra về môi trường (tăng 12,3% so với giai đoạn trước đó); xử phạt gần 300 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Để đảm bảo khách quan khi đánh giá mức độ ô nhiễm, cơ quan chức năng đã và sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đột xuất tại các nguồn phát thải. Cùng với trách nhiệm của cấp, ngành liên quan thì vai trò giám sát của người dân đối với việc thực hiện cam kết BVMT của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... là rất quan trọng.

Bên cạnh hai giải pháp trên, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý các nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) để kiểm soát ô nhiễm. Thời gian tới, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được coi trọng hơn, các địa phương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng lộ trình mở rộng mạng lưới thu gom và phân loại rác. Đối với khí thải và nước thải, các chủ nguồn thải trong danh mục theo quy định (hiện là 34 đơn vị) sẽ phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trong năm nay. Từ nay đến năm 2025, tỉnh dự kiến lắp đặt thêm 8 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt trên các hệ thống sông và 11 trạm quan trắc tự động môi trường không khí. Mục đích là nhằm giám sát thường xuyên chất lượng môi trường để kịp thời có giải pháp kiểm soát ô nhiễm phù hợp…

BVMT ngày càng trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết. Cùng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan thì ý thức chấp hành của mỗi người dân sẽ đóng vai trò quyết định để đảm bảo môi trường sống trong lành, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.