Thời gian gần đây, mỗi khi thời tiết có mưa là người dân 2 xóm Chiểm và Tân Tiến của xã Quân Chu (Đại Từ) lại thấp thỏm lo âu bởi nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mong muốn được sinh sống trong mái nhà vững chãi, an toàn để yên tâm sản xuất đang là nguyện vọng chung của người dân nơi sườn Đông dãy Tam Đảo này.
Dù đã trôi qua gần 2 tháng kể từ trận mưa lớn đêm 21, rạng sáng 22-4, thế nhưng, không ít người ở xã Quân Chu vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Đặng Hữu Chiến, ở xóm Chiểm nhớ lại: Khoảng 4 rưỡi sáng ngày 22-4, tôi tỉnh giấc và nhận thấy mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhiều cây cây rừng bị gẫy đổ, cuốn theo dòng suối đang chảy siết. Khi tôi ra vườn thì đằng sau, lũ từ đầu nguồn tuôn xuống như thác tạo thành 2 dòng lớn chạy song song ngôi nhà. Nếu không nhanh trí đu người lên cành vải, có lẽ tôi đã bị lũ cuốn trôi cùng 70 thùng ong, nhà vệ sinh và toàn bộ đàn gà của gia đình. Cùng với nước lũ, các tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống “bao vây” ngôi nhà khiến chúng tôi bị cô lập hoàn toàn trước khi được lực lượng dân quân, hàng xóm đến giúp.
Đối với chị Trần Thị Ngát, ở xóm Tân Tiến thì đây cũng là trận mưa khủng khiếp nhất trong vòng gần 30 năm kể từ khi gia đình chị từ Hưng Yên lên xã Quân Chu xây dựng kinh tế. Chị Ngát cho biết: Kể từ hôm mưa khủng khiếp đó, có mưa là cả nhà bảo nhau di chuyển ra nhà văn hóa hoặc nhà người thân ở nhờ. Chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước sớm đầu tư xây dựng khu tái định cư để chúng tôi di dời, yên ổn cuộc sống.
Theo rà soát, xã Quân Chu có 12 hộ dân với 53 nhân khẩu sống dưới chân núi, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Trung bình các điểm sạt lở cách nhà dân từ 400-600m. Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, đầu tháng 5 vừa qua, các đoàn công tác của tỉnh cùng chính quyền địa phương đã khảo sát và làm việc với các hộ dân để thống nhất vị trí dự kiến xây dựng khu tái định cư tập trung. Khu tái định cư dự kiến sẽ được đặt tại địa phận xóm Chiểm, cách khu vực sạt lở khoảng 600m với tổng diện tích trên 7.000m2. Mỗi hộ dân thuộc diện phải di dời sẽ được cấp một lô đất tái định cư có diện tích khoảng 350m2 và được hỗ trợ kinh phí di dời 20 triệu đồng/hộ (riêng hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ)…
Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Sau trận mưa lớn hồi cuối tháng 4, xã đã nhanh chóng rà soát, xây dựng phương án di dời các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, đồng thời thành lập 2 điểm trực cảnh báo, ứng trực thường xuyên không cho các hộ dân trở lại nhà, hỗ trợ người dân khi mưa bão. Tuy vậy, đây mới chỉ là phương án tạm thời, bởi sau khi hết mưa, các hộ sẽ quay trở lại nơi ở cũ để tiếp tục canh tác do nhà cửa, nương rẫy vẫn ở đây. Phần lớn các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để cất nhà mới ở nơi khác dù biết không thể tiếp tục sinh sống ở đây lâu dài. Việc đảm bảo an toàn cho các hộ dân khu vực sạt lở đang là trăn trở lớn đối với chúng tôi, chính quyền và bà con đều mong mỏi các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, phê duyệt để khu tái định cư nhanh chóng được xây dựng.
Mùa mưa bão được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và cực đoan, trong khi các hộ dân ở xóm Chiểm và Tân Tiến đang hàng ngày sinh sống, sản xuất tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; lũ ống, lũ quét. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và quan sát của người dân, ở khu vực chân dãy núi Tam Đảo hiện đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt, kết cấu địa chất yếu dễ gây hiện tượng sạt lở, nhiều đá lớn lăn xuống khu vực nhà dân. Do vậy, việc nhanh chóng hình thành khu tái định cư cho người dân là nhu cầu chính đáng và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.