Cần cải thiện chỉ số SIPAS

18:55, 18/07/2021

Cuối tháng 6 vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020.

Theo đó, chỉ số SIPAS của Thái Nguyên xếp thứ 24/63 tỉnh, thành cả nước, giảm 1 bậc so với năm 2019 và giảm 3 bậc so với năm 2018.

Trước thực tế này, năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta cần phải nỗ lực hơn để cải thiện thứ hạng SIPAS của tỉnh.

Kết quả SIPAS cấp tỉnh dựa trên cơ sở đánh giá thông qua các mẫu điều tra xã hội học được chọn từ 6 sở, ngành (120 mẫu chính thức), 6 huyện, thành, thị (180 mẫu) và 18 xã, phường, thị trấn (180 mẫu).

Bộ Nội vụ ấn định, mỗi sở, ngành sẽ được chọn 2 lĩnh vực để điều tra; tại cấp huyện cũng chọn 2 lĩnh vực điều tra là cấp phép kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tại cấp xã là lĩnh vực tư pháp và lao động - thương binh - xã hội.

Đối tượng cụ thể được lựa chọn điều tra là những tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đã được trả kết quả trong khoảng thời gian 7 tháng (từ 1/1/2020 đến 31/7/2020).

Phân tích của Sở Nội vụ tỉnh cho thấy, nếu phân loại theo đơn vị hành chính của tỉnh loại II như Thái Nguyên thì Chỉ số SIPAS của chúng ta năm 2020 xếp thứ 13/37 tỉnh, bằng với thứ hạng năm 2019.

Nếu phân theo vùng kinh tế thì Chỉ số SIPAS của tỉnh xếp thứ 6/14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, giảm 2 bậc so với năm trước. Và nếu tính bình quân giai đoạn 2017-2020, Thái Nguyên xếp thứ 9/63 tỉnh, thành.

Đánh giá về các chỉ số thành phần cho thấy, một số chỉ số về tiếp cận dịch vụ, TTHC, cán bộ công chức, kết quả dịch vụ đều tăng so với năm trước, nhưng lại giảm so với năm 2017. Riêng chỉ số về tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân lại giảm rất sâu cả về điểm và thứ hạng so với các năm trước (giảm từ 10% đến 34,9%).

Điều đó cho thấy, để cải thiện Chỉ số SIPAS và mang đến sự hài lòng thực sự cho người dân, các cấp chính quyền trong tỉnh phải nỗ lực hơn nữa cả về tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong giải quyết TTHC và những phương án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cũng như cách thức giải quyết TTHC theo hướng tiện lợi, hiện đại nhất.

Theo khảo sát, người dân mong muốn chính quyền mở rộng hình thức thông tin về TTHC; cải thiện chất lượng cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị; tăng cường niêm yết công khai, minh bạch TTHC; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện để tránh đi lại nhiều lần; khẩn trương áp dụng mạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cần nhất là phải đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC…