Lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng... là các loại hình thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) luôn được chính quyền các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm, nhất là vào mùa mưa bão.
Huyện Đại Từ được bao bọc bởi các dãy núi Tam Đảo, núi Pháo, núi Hồng, núi Chúa và núi Thằn Lằn. Ngoài ra, huyện còn có hệ thống sông, suối, ao, hồ khá dày đặc.
Bởi vậy, mùa mưa lũ hàng năm, mực nước trên các sông, suối, đặc biệt là khu vực gần hồ đập, ngầm tràn thường dâng cao và chảy xiết, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Mùa mưa bão năm nay, cùng với việc xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, huyện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức canh gác và đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các ngầm tràn, cầu treo, điểm ngập sâu, điểm có nguy cơ sạt lở.
Đối với huyện Phú Lương, các địa điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất gồm khu vực mỏ khai thác than, hồ chứa bùn non ở các xã: Phủ Lý, Động Đạt, thị trấn Đu; địa bàn dễ xảy ra lũ quét, lũ ống ở xã Yên Ninh; còn khu vực hay xảy ra ngập úng, lụt ở các xã: Phấn Mễ, Cổ Lũng, Vô Tranh, thị trấn Giang Tiên…
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, huyện đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.
Ngoài ra, trước mùa mưa, huyện cũng đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng và có phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn.
Tương tư, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra. Các sở, ban, ngành cũng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro; sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh ghi nhận thông tin tại trạm khí tượng để đưa ra dự báo, cảnh báo kịp thời.
Để chủ động trong công tác PCTT, ngay từ đầu mùa mưa bão, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN cấp tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các nội dung ứng phó với tình huống thiên tai.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng đã tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê kè, hồ đập để phát hiện, xử lý các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn. Các bản tin cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh gửi kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản, email, tin nhắn...
Hàng năm, tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương, đơn vị khắc phục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Tính riêng năm 2020, số tiền được phân bổ là trên 166 tỷ đồng.
Ngay sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, đại diện các cấp, ngành, địa phương trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại và đến thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình có người chết, bị thương.
Phần lớn công trình bị hư hỏng do thiên tai cũng được khắc phục kịp thời, hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh thông tin: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai, tránh tư tưởng chủ quan trong cộng đồng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong mùa mưa bão năm nay, tình hình thời tiết vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng kịch bản PCTT. Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp gia cố nhà, chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.
Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, không lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, đê điều… nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 đợt thiên tai, làm 2 người chết, 16 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản khoảng 65 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai làm 5 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 8,3 tỷ đồng. |