Hơn 3 năm nay, 8.000m2 đất sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng Ngòi của 3 hộ dân ở tổ dân phố Nguyên Giả, phường Cải Đan (T.P Sông Công) không thể gieo cấy vì ngập úng. Nguyên nhân là do trong quá trình thi công Dự án đường Thắng Lợi kéo dài đã san lấp hệ thống kênh mương trên cánh đồng. Mặc dù, chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống cống thoát nước mới, song miệng cống lại cao hơn so với mặt ruộng nên việc tiêu thoát nước rất hạn chế.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố Nguyên Giả cho biết: Trước kia, người dân trong tổ vẫn chủ động được nguồn nước tiêu thoát để phục vụ cho sản xuất ở cánh đồng này. Năm 2017, Dự án đường Thắng Lợi kéo dài được triển khai, hệ thống kênh thoát nước cũ đã bị đơn vị nhà thầu san lấp và thay bằng hệ thống cống mới, song miệng cống lại cao hơn so với mặt ruộng nên sau mỗi cơn mưa, lượng nước ứ đọng ngày càng nhiều, nước không thể tiêu thoát. Cánh đồng Ngòi nằm giáp ranh với tuyến đường, trong khi hệ thống thoát nước không đáp ứng nên khi có mưa thường xảy ra ngập úng, không thể canh tác. Hơn 8.000m2 trên chỉ là con số thống kê của những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất, còn nếu tính cả diện tích bị ảnh hưởng một phần do ngập úng từ cánh đồng Ngòi thì phải lên tới 5-6ha của hơn 10 hộ dân. Việc gieo trồng không đem lại hiệu quả, nên bà con đã bỏ ruộng hơn 3 năm nay. Mặc dù, người dân đã nhiều lần có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, song đến nay, tình trạng vẫn chưa được khắc phục.
Dẫn chúng tôi đi thực tế hơn 8 sào ruộng của gia đình trên cánh đồng Ngòi, ông Trịnh Bình Thuận ngậm ngùi: Năm 2018, tôi đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua máy cày nhằm giảm công lao động, tuy nhiên, chưa sử dụng được bao lâu đã phải bán đi vì ruộng không thể canh tác. Mặc dù làm nông nghiệp, song hơn 3 năm nay, gia đình phải đi mua gạo về ăn, trong khi ruộng bỏ không.
Tương tự, gia đình bà Trần Thị Mỵ cũng có hơn 5 sào ruộng thường xuyên bị ngập úng, không thể gieo cấy. Theo bà Mỵ, trước đây gia đình bà thường cấy được 2 vụ/năm, mỗi sào cho thu hoạch 2,2-2,4 tạ thóc/sào. Việc không thể canh tác khiến cuộc sống gia đình bà Mỵ bị ảnh hưởng rất nhiều. Cùng với đó, gia đình bà Mỵ cũng có vườn keo với diện tích hơn 360m2, đã trồng hơn 10 năm nay, sắp đến đợt khai thác thì chết rút do ngập nước.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trường Giang, đại diện Công ty TNHH MTV Tiến Mạnh Lai Châu (đơn vị chủ đầu tư Dự án đường Thắng Lợi kéo dài giai đoạn 2) cho biết: Năm 2018, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của T.P Sông Công xuống kiểm tra thực tế, thống kê diện tích thiệt hại của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, ngoài hệ thống thoát nước theo thiết kế của Dự án đường Thắng Lợi, chúng tôi đã thi công thêm 100m cống thoát nước nhằm hạn chế ngập úng, đến nay, tình trạng trên đã được cải thiện một phần. Phần diện tích không thể gieo cấy của các hộ dân tổ dân phố Nguyên Giả cũng đã được quy hoạch để triển khai Dự án Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài, song chưa có quyết định thu hồi của UBND thành phố nên chưa được triển khai thực hiện.
Đất nông nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công đang dần bị thu hẹp để thực hiện các công trình, dự án, việc diện tích trên phải bỏ không do ngập úng trong nhiều năm là rất lãng phí. Bởi thế, các cấp chính quyền T.P Sông Công cũng như chủ đầu tư dự án cần sớm có hướng giải quyết phù hợp để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.