Theo thống kê hàng năm và phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai, tỉnh Thái Nguyên có ít nhất 10 loại hình thiên tai thường xảy ra với các cấp độ rủi ro khác nhau.
Để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả khôn lường mà thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Phương án này đã trả lời được nhiều câu hỏi về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
10 loại hình thiên tai thường xảy ra ở Thái Nguyên ứng với từng cấp độ rủi ro cao nhất (từ cấp 1 đến cấp 3) gồm: Áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lốc, sét, mưa đá; ngập lụt; lũ, lũ quét; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy gây ra; nắng nóng; rét hại; hạn hán và cháy rừng do tự nhiên.
Các loại hình thiên tai này xảy ra chủ yếu vào mùa mưa bão và mùa khô. Mỗi loại hình thiên tai lại có những đặc trưng riêng đòi hỏi phương án ứng phó khác nhau. Do đó, tỉnh đã xây dựng các phương án trên cơ sở thực tế từng xảy ra tại địa phương và các yêu cầu chuyên môn bắt buộc trong phòng, chống thiên tai.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phản ánh các phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai thường xảy ra và gây thiệt hại lớn như mưa lũ, ngập lụt, lốc, sét, mưa đá, sạt lở đất, sụt lún.
Theo đó, đối với mưa, lũ, ngập lụt, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của tỉnh cập nhật thông tin kịp thời, yêu cầu các địa phương huy động lực lượng tại chỗ sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm an toàn các công trình công cộng, bảo vệ sản xuất; có phương án an toàn hồ chứa, đập dâng, nhất là các hồ lớn như: Núi Cốc, Gò Miếu, Suối Lạnh, Bảo Linh… để bảo vệ hạ du; ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối, các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở cao; tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “cứu người trước, cứu tài sản sau”; khôi phục sản xuất, khắc phục ô nhiễm môi trường, khống chế dịch bệnh…
Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy gây ra, các địa phương liên tục thông báo để người dân biết các vị trí bờ sông, suối có nguy cơ sạt lở, chủ động phòng, tránh và di dời đến nơi an toàn; kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông, suối, phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng kịp thời duy tu, sửa chữa; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành lang thoát lũ; vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời…
Đối với lốc, sét, mưa đá, các ngành, địa phương thường xuyên phát bản tin dự báo, cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh; chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà không kiên cố và các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công.
Khi mưa lớn kèm theo có giông, sét, mọi người không nên đứng trú dưới gốc cây, ống khói, khu vực trống, anten truyền hình, gần các vật kim loại, không chạm tay vào các vật ẩm ướt, vật dẫn điện…
Người dân cần thường xuyên tu sửa, chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông, lốc xoáy.
Các ngành, địa phương khẩn trương tiến hành cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản, chủ động cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố, sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư, cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại…
Như vậy, với các phương án trên, tác động từ thiên tai sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, đặc biệt là thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng điểm, xung yếu.
Để đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ”, nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, đồng thời chủ động, tự giác tham gia phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.