Giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan

01:07, 25/08/2021

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên, trong 1-2 ngày tới, các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa kèm theo dông, lốc và gió giật mạnh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất cục bộ ở vùng núi. Trước tình hình trên, các cấp, ngành đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23-8, mưa lớn, gió mạnh đã gây lật mái nhà của 11 hộ dân, sạt lở đường giao thông liên xóm với khối lượng đất đá khoảng 650m3; làm gẫy đổ 5ha rừng của bà con xã Văn Hán (Đồng Hỷ).

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi đã huy động lực lượng, máy móc để khơi thông, thu dọn đất, cây cối đổ ra đường. Đồng thời giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Trong mùa mưa, chúng tôi cũng nhắc nhở bà con chủ động chằng chống nhà cửa để tránh gây thiệt hại không đáng có và hạn chế qua lại trên các tuyến đường dễ xảy ra sạt lở.

Căn nhà của gia đình bà Triệu Thị Loan ở xóm Hoan, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), bị đổ sập sau trận mưa đêm 22-8.

Đối với huyện Phú Bình, trên địa bàn các xã giáp sông Cầu như: Xuân Phương, Bảo Lý, Đào Xá, Nhã Lộng… có một số vị trí xung yếu, tình trạng sạt lở có khả năng xảy ra khi nước lũ dâng cao ở mức báo động 1.

Anh Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết: Trong những ngày mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện thường xuyên phối hợp, chỉ đạo cấp xã kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng và khoanh vùng các điểm có nguy cơ sạt lở. Các địa phương đều cắm biển cảnh báo nguy hiểm và sẵn sàng phương án di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai.

Tại huyện Đại Từ, ngoài các xã nằm dưới chân núi Tam Đảo như: Quân Chu, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Ký Phú... thì nhiều địa phương khác cũng xuất hiện các điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Đơn cử như tại khu dân cư xóm Chùa, xã Khôi Kỳ, dòng suối Mang chạy song song với tuyến đường liên xóm hiện đã bị sói lở, ảnh hưởng trực tiếp đến nền đường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông và khu dân cư. Những ngày trời mưa to, nước dâng cao, xã đã bố trí lực lượng canh gác để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tương tự, tại xã Na Mao, trên tuyến đường xóm Trung Tâm có 1 vị trí ngầm tràn cắt qua suối được xây dựng từ lâu nên đã bị hư hỏng nghiêm trọng, khi mưa lũ về, mọi hoạt động giao thương bị chia cắt. Do ngầm bị xuống cấp nên nhiều trường hợp người dân qua lại bị quệt, ngã gây thương tích, mất an toàn cho người và các phương tiện qua lại.

Hiện tượng sạt lở đất trên một tuyến đường liên xóm tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ).

Hiện nay, do biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Ngoài 2 huyện miền núi, vùng cao là Võ Nhai và Định Hóa nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thì nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra các hiện tượng này.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa dông vẫn còn tiếp diễn, ngày 23-8, chúng tôi đã ban hành văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương theo dõi tình hình thiên tai, thời tiết để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân. Đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để có phương án kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Được biết, hiện nay 178/178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTT-TKCN như: Cứu hộ, canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua các cầu tràn, tuyến đường giao thông ngập nước; tham gia giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng ngừa, ứng phó với lũ quét, sạt lở đất thì việc củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích là rất cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.