Dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh những tháng còn lại của năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn. Tác động của dịch COVID-19 đã và đang khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn; khu vực sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh bị sụt giảm, lực lượng lao động bị thiếu hụt; sản xuất nông nghiệp khó bứt phá do vật tư đầu vào tăng cao… Đây là những thách thức lớn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các địa phương triển khai nhiều giải pháp chống dịch, siết chặt hoạt động vận tải không cần thiết. Điều này khiến lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh.
Thái Nguyên là tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - nơi đang thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiếp giáp với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc - địa phương đang có dịch và tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Dù đã triển khai ”luồng xanh” vận tải, song tình trạng lưu thông hàng hóa không thể như bình thường.
Theo nhận định của các chuyên gia, những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là linh kiện điện tử, lắp giáp điện tử... sụt giảm mạnh do các đơn vị phụ trợ ở Bắc Giang, Bắc Ninh bị ngừng hoạt động bởi dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất vì thiếu hụt lao động và nguyên liệu đầu vào.
Dự báo, nếu 6 tháng đầu năm cả tỉnh có trên 300 doanh nghiệp, chi nhánh tạm ngừng hoạt động, hơn 200 trường hợp phải đóng mã số thuế thì dịp cuối năm chắc chắn sẽ còn gia tăng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, giá các loại vật tư đầu vào tiếp tục tăng cao do giá nguyên liệu sản xuất, cước vận chuyển, lưu thông tăng.
Theo kết quả so sánh được công bố, giá một số loại phân bón đã và đang tăng từ 20-50% so với cùng kỳ năm trước; giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021 và sẽ còn tăng những tháng tới. Trong khi đó, lực lượng lao động giảm, giá nhân công tăng khiến tình hình sản xuất nông nghiệp đã khó càng thêm khó.
Thực tế này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh phải biến khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, phát triển.
UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ giải pháp đúng hướng, phù hợp, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả. Tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp FDI vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ từng dự án, đặc biệt là các dự án ODA; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng…
Tất cả phải cùng nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn, đạt được mức tăng trưởng như dự kiến.