Thời gian qua, tình trạng người và phương tiện di chuyển từ các tỉnh khác vào Thái Nguyên bằng đường mòn, lối mở để “né” khai báo y tế đã xuất hiện và đang ngày càng diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm cố tình trốn khai báo y tế.
Sáng 13-8, chúng tôi được tham gia buổi tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 10 trường hợp “né” các chốt khai báo y tế.
Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 13-8, tổ công tác chốt phòng, chống dịch phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 99A-380.21, do lái xe là N.V.P., sinh năm 1981, phường Võ Cường, T.P Bắc Ninh (Bắc Ninh) từ đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi vào đường gom xuống Hồ Đắc Di (thuộc địa phận tổ 9, phường Tân Thịnh). Tại đây, lái xe đã dừng xe dọc đường và cho 5 người xuống đi bộ vào ngách của tổ 9 không qua chốt kiểm dịch nhằm trốn khai báo y tế.
Tổ công tác đã yêu cầu những người này vào chốt khai báo y tế, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh N.V.P. về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, báo cáo đề xuất cấp trên để chỉ đạo, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu anh N.V.P. quay đầu xe về Bắc Ninh.
Sau khi phát hiện người từ tỉnh khác về Thái Nguyên đi theo lối mở trốn tránh chốt kiểm soát dịch COVID-19, lực lượng chức năng đã đưa về chốt yêu cầu khai báo y tế trung thực, đúng quy định.
Theo thông tin từ UBND phường Tân Thịnh, đoạn đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua địa bàn phường có khoảng 5 điểm người dân có thể “né” chốt, chui qua rào vào đường dân sinh đi vào thành phố như: Nút giao cầu vượt Đán; điểm gầm cầu vượt ở đường Bắc Sơn kéo dài… Tại các điểm này, phường Tân Thịnh đã cử người trực và tuần tra, kiểm soát 24/24h. Lực lượng tham gia các tổ tuần tra, kiểm soát nòng cốt là công an chính quy, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, ngoài ra còn có đoàn viên thanh niên và các hội đoàn thể.
Ông Trịnh Xuân Luyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, thành phố, cũng như phản ánh của người dân liên quan đến việc trốn kiểm soát phòng, chống dịch, chúng tôi đã thành lập một tổ tuần tra, kiểm soát, quyết liệt xử lý. Tính đến sáng 13-8, chúng tôi đã phát hiện 27 trường hợp có biểu hiện né chốt, không khai báo y tế tại các chốt kiểm soát trên địa bàn. Chúng tôi đã yêu cầu các trường hợp này về các chốt để thực hiện khai báo y tế, đưa 4 người đi cách ly tập trung, phạt 1 người với mức tiền 7,5 triệu đồng.
Hiện nay, các tổ tuần tra, kiểm soát vẫn tiếp tục trực tại các vị trí mà có khả năng người dân xé rào, chui qua hàng rào và nhảy qua các hàng lan can lượn sóng trên đường cao tốc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lái xe là N.V.P., sinh năm 1981, trú tại phường Võ Cường, T.P Bắc Ninh (Bắc Ninh) chở người về Thái Nguyên nhưng trốn khai báo y tế bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu quay đầu xe về Bắc Ninh.
Qua tìm hiểu của phóng viên, không riêng tại T.P Thái Nguyên, thời gian qua tình trạng người dân “né” các chốt khai báo y tế còn ra ở các địa phương khác. Điển hình là trên đường cao tốc tại khu vực nút giao Sông Công, thuộc địa bàn phường Lương Sơn. Từ đầu tháng 8 đến 12-8, lực lượng chức năng của T.P Sông Công cũng đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp “né” chốt, trốn khai báo y tế.
Mới nhất là vào sáng 12-8, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 nút giao Sông Công, lực lượng chức năng đã phát hiện một phụ nữ trốn trong cốp xe ô tô nhằm trốn tránh khai báo y tế. Đó là chị N.T.T., sinh năm 1988, ở xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Chị T. được chồng là anh T.T.V., sinh năm 1989 chở trên xe ô tô mang biển kiểm soát 99A-33032, đi từ Bắc Ninh đến Thái Nguyên. Khi đến gần khu vực chốt kiểm soát phòng, chống dịch, do không có giấy tờ đủ điều kiện để đi qua, chị T. đã xuống phía cốp xe nằm, còn anh V. lái xe đến chốt khai báo y tế. Hành vi của chị N.T.T. đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng.
Tại T.X Phổ Yên, trước tình trạng người dân trốn tránh khai báo y tế, thị xã đã khẩn trương thành lập thêm gần 10 chốt chặn tại các đường mòn, lối mở, tiến hành lập hàng rào sắt, dùng đất lấp kín các lỗ hổng trên hàng rào bảo vệ hành lang đường cao tốc. Cùng với đó, lực lượng công an, quân sự và tổ tự quản phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng tăng cường kiểm soát các khu vực giáp ranh, cắm biển cấm qua lại, nghiêm khắc xử lý các trường hợp cố tình “né” chốt, trốn khai báo y tế.
Ông Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: UBND xã Đông Cao đã thành lập chốt trực 24/24 giờ, đồng thời thuê máy xúc lấp đầy tất cả vị trí hở dưới hàng rào nhằm ngăn chặn người dân chui, trèo rào, trốn khai báo y tế xâm nhập vào địa bàn.
Hành vi của những người ở vùng dịch về mà trốn tránh khai báo y tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo quy định của pháp luật, các trường hợp này đều có thể chỉ xử phạt tiền, có thể phạt tù đến 12 năm hoặc nặng hơn. Qua khai thác thông tin từ những đối tượng vi phạm, hầu hết họ đều hiểu hành vi trốn tránh khai báo y tế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người viện lý do nhu cầu bức thiết, nhiều tài xế vì hám lợi vẫn tìm “khe hở” để thực hiện những hành vi này.
Để xử lý dứt điển tình trạng này, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn nữa. Bên cạnh đó, các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, người dân nơi cư trú tăng cường công tác nắm bắt thông tin về người ra vào nơi cư trú, kịp thời thông báo với cơ quan chức năng xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc phụ trách tư vấn Công ty Luật K và cộng sự Chi nhánh Thái Nguyên:
Hành vi của những người ở vùng dịch về mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối, chậm khai báo…vi phạm quy định ở các văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP… và nhiều văn bản khác. Về trách nhiệm dân sự: Nếu vì việc trốn tránh khai báo y tế mà dẫn đến lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì những người bị ảnh hưởng (kể cả Nhà nước) có thể xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường theo Điều 584; 585 và 588 Bộ luật Dân sự 2015. Về xử lý trách nhiệm hành chính: Những người trốn tránh khai báo y tế có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau: Vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và sẽ bị xử lý theo điểm a, Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, họ có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ theo Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội với mức phạt từ 500 nghìn đồng - 5 triệu đồng. Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng (làm dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại lớn về vật chất, gây chết người …) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm - 12 năm tùy tính chất, mức độ của hậu quả. Ngoài ra có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm... |