Trước yêu cầu đặt ra về việc chủ động chuyển từ sản xuất khí oxy công nghiệp sang oxy y tế khi cần thiết, đại diện Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên đã khẳng định: Công ty sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình “ATM oxy miễn phí” để cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.
Để tăng cường sản xuất, cung ứng và bảo đảm oxy y tế cho điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, ngày 07/9/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 4308/QĐ-BYT ngày 07/9/2021 ban hành Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 (Đề án).
Tại Hội nghị về triển khai Đề án được tổ chức ngày 13-9, một vấn đề quan trọng Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố cần làm ngay là đánh giá khả năng sản xuất oxy, mạng lưới nhà cung cấp oxy để có kế hoạch và thực hiện mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng oxy.
Trong đó, tiêu chuẩn khí oxy công nghiệp có tính chất tương tự như oxy y tế do cùng công nghệ và thiết bị sản xuất nên phương án chuyển đổi trạm sản xuất khí oxy công nghiệp tại các công ty thép sang oxy y tế đã được tính tới. Phương án này nhằm chủ động nguồn oxy y tế theo phương châm “4 tại chỗ” khi địa phương đó thực hiện giãn cách xã hội và nhu cầu sử dụng khí oxy cứu chữa bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến.
Với 2 máy nén nạp bình, Xí nghiệp Năng Lượng chỉ có khả năng nạp tối đa 500 bình oxy/ngày.
Qua rà soát, tại Thái Nguyên, Xí nghiệp Năng Lượng (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) là đơn vị sản xuất khí oxy công nghiệp quy mô lớn nhất tỉnh. Về chất lượng, khí oxy công nghiệp của Xí nghiệp có độ tinh khiết đạt 99,3%-99,5%. Thêm vào đó, trụ sở của Xí nghiệp tại phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, thuận lợi cung ứng oxy cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trực tiếp làm việc với ông Trần Quang Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ông Tiến khẳng định: Công ty sẽ ủng hộ một cách tuyệt đối công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Chúng tôi sẽ đem hết 100% khả năng về thiết bị, con người để sản xuất, ủng hộ miễn phí khí oxy đóng bình phục vụ cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.
Hiện nay, Trạm sản xuất oxy của Xí nghiệp Năng Lượng có khả năng tạo ra 2.500m3 khí oxy/giờ, trong đó hơn 2.000m3 khí truyền qua các đường ống để sử dụng trực tiếp cho sản xuất thép, số còn lại có thể đóng bình phục vụ các đơn vị nhỏ lẻ. Thiết bị của Xí nghiệp có khả năng đóng tối đa 500 bình dung tích 40l/ngày. Đơn vị cũng đang có 500 vỏ bình tại xưởng và 250 bình luân chuyển.
Những bình này đều được dán tem với một mã QR riêng biệt, rất thuận lợi nếu tỉnh triển khai mô hình “ATM oxy miễn phí”, ứng dụng công nghệ trong vận hành và quản lý bình oxy. Trong trường hợp cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19, nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên có thể cập nhật tình trạng của bình lên phần mềm quản lý nhằm điều phối thu, nạp khí cho bình, cũng như điều tiết số lượng bình oxy được hiệu quả.
Đặt vấn đề về tăng khả năng cung cấp khí oxy trong trường hợp khẩn cấp, ông Đào Văn Thành, Phó Giám đốc Xí nghiệp Năng Lượng bày tỏ: Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi sẵn sàng dốc toàn tâm, toàn lực để sản xuất khí oxy nhằm phục vụ cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, thiết bị của xí nghiệp chỉ có khả năng nạp tối đa 500 bình/ngày, số lượng vỏ bình của đơn vị cũng chỉ có tối đa 750 bình.
Nếu muốn nâng công suất lên 1.000 bình/ngày, đơn vị cần được đầu tư thêm 2 máy nén nạp bình công suất 160m3/giờ và 1.000 vỏ bình. Ngoài ra, các ngành chức năng nên sớm tính đến phương án đảm bảo an toàn cháy nổ, phòng cháy, chữa cháy khi vận chuyển bình oxy.
Đến thời điểm này, Sở Công Thương và các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá và nhận định bước đầu về khả năng cung ứng oxy phục vụ cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 của Xí nghiệp Năng Lượng khi cần thiết. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kết nối chặt chẽ cung - cầu để khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực sản xuất oxy y tế.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc sớm lên phương án, kế hoạch sẽ giúp tỉnh chuẩn bị cơ sở hạ tầng oxy y tế, chủ động ứng phó với mọi tình huống, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.