Giữ vững “vùng xanh” Thái Nguyên

07:16, 22/09/2021

Thái Nguyên hiện đang được xem là “vùng xanh” so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong “cuộc chiến" với dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỉnh ta vẫn có nguy cơ cao đối với dịch. Từ thực tế đó, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực xây dựng, triển khai các phương án phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, quyết không để bị động khi có dịch.

Theo thống kê, đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã qua hơn 1 tháng không xuất hiện ca bệnh mới trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỉnh ta vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn cao do tiếp giáp với một số tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp (như Hà Nội, Bắc Giang…) và trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút khá đông người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. Chính vì vậy, việc xây dựng các phương án nhằm chủ động phòng, chống dịch được tỉnh chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương. 

Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), từng địa phương đã đưa ra các kịch bản “giả định” cụ thể để có phương án ứng phó kịp thời đối với từng cấp độ dịch. Theo đó, 9 huyện, thành, thị đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch để chỉ đạo, điều hành công tác này; thành lập các tổ giúp việc, đội phản ứng nhanh; xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…

Với gần 500.000 nhân khẩu, T.P Thái Nguyên có dân số đông gấp nhiều lần so với các địa phương khác trong tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn nếu dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn, nhất là khi có ca nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, T.P Thái Nguyên đã xây dựng các phương án cụ thể khi có dịch ở các cấp độ từ 1 đến 5 (từ chưa xuất hiện ca bệnh đến khi dịch lây lan trong cộng đồng, với tổng số trên 50 ca nhiễm).

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên đã dự trữ nhiều loại vật tư y tế tại kho, sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.  

Đặc biệt, thành phố đã có kế hoạch bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch cấp độ 5, đồng thời tính toán phương án khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu. Cụ thể, bảo đảm cung ứng trước mắt đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn trong vòng 30 ngày trong trường hợp toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, với gần 3.500 tấn lương thực; 1.200 tấn thịt gia súc; trên 1.000 tấn thịt gia cầm; 6.700 tấn rau, củ, quả các loại…

Tương tự, các địa phương khác trong tỉnh cũng tích cực xây dựng các phương án phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp. Đối với T.P Sông Công và T.X Phổ Yên, do 2 địa phương này đều có nhiều khu, cụm công nghiệp nên công tác chuẩn bị về nhân lực, vật lực rất được chú trọng. T.P Sông Công đã đề nghị các cơ sở y tế (Bệnh viện C, Trung tâm Y tế thành phố) mỗi đơn vị thành lập từ 2-3 đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động, tại các trạm y tế xã, phường thành lập tổ cơ động chống dịch; chỉ đạo các xã, phường rà soát, bổ sung nhân lực cho tổ COVID-19 cộng đồng tại các xóm, tổ dân phố; xây dựng các khu cách ly tập trung với quy mô khoảng 6.000 người (tại 3 địa điểm: Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp). 

Về phương tiện tại chỗ, thành phố xây dựng phương án huy động 5 xe cứu thương; trên 200 xe tải, 20 xe khách (từ 28-45 chỗ) của các cá nhân, doanh nghiệp trên bàn thành phố để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, vận chuyển người, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch khi cần thiết. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bảo đảm việc sản xuất không bị gián đoạn. 

Đại diện Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội (đứng chân trên địa bàn phường Cải Đan, T.P Sông Công) cho biết: Công ty áp dụng sản xuất tại chỗ, nới rộng khoảng cách làm việc và yêu cầu người lao động thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Tại khu vực nhà ăn, Công ty cũng làm các vách ngăn nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động. 

Còn với T.X Phổ Yên, đến nay, địa phương đã thành lập 7 khu cách ly tập trung; thành lập 365 tổ COVID-19 cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư y tế… Ông  Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã thông tin: Là một trong những đơn vị được lựa chọn làm bệnh viện dã chiến theo kịch bản ứng phó với tình huống dịch COVID-19 của T.X Phổ Yên, hiện nay, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết. Khi có tình huống dịch xảy ra trên địa bàn, Trung tâm sẽ trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất để đáp ứng tối đa khoảng 300 giường bệnh với trên 130 y, bác sĩ phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Cùng với đó, dự trữ các loại vật tư y tế thiết yếu như trên 2.000 khẩu trang; hơn 1.000 trang phục bảo hộ; gần 3.000 tấm chắn, kính chắn giọt bắn...

Với các phương án ứng phó cụ thể, phù hợp và quyết tâm cao độ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch... Từ đó nhằm bảo vệ và giữ vững “vùng xanh” Thái Nguyên.