Những ngày gần đây, việc nhiều dự án chây ì, không còn khả năng triển khai bị UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu chấm dứt hiệu lực đầu tư đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây được xem là sự quyết liệt cần thiết của tỉnh trong bối cảnh làn sóng đầu tư mới trong và ngoài nước đang hướng đến Thái Nguyên. Điều này còn cho thấy, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, dứt khoát loại bỏ các dự án “treo” để tạo niềm tin với các nhà đầu tư lớn.
Thời gian qua, Thái Nguyên thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đã được tỉnh áp dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư.
Đa phần các dự án đầu tư đều đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu, xây dựng, môi trường, đất đai, nghĩa vụ tài chính…, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước và địa phương.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vì lý do này hay lý do khác để chậm tiến độ triển khai dự án, vi phạm các quy định về đầu tư khiến công trình dở dang, “đắp chiếu” nhiều ngày, gây lãng phí, thất thoát tiền của, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường đầu tư của tỉnh.
Điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp cần thiết và kịp thời của chính quyền địa phương để thanh lọc các dự án. Nếu như trước đây chủ trương của tỉnh là trải thảm đón thật nhiều nhà đầu tư đến Thái Nguyên thì nay trải thảm để lựa chọn các nhà đầu tư có uy tín, thực lực, triển khai dự án nhanh, hiệu quả, chất lượng; sẵn sàng loại bỏ các dự án treo, dự án thiếu khả thi…
Để thanh lọc môi trường đầu tư, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là đối với các khu dân cư, đô thị.
Tiếp đó, UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành xuống thực tế tại 114 dự án đầu tư ngoài ngân sách. Sau khi xem xét kết quả kiểm tra, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thực hiện các thủ tục thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với 11 dự án không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Trong đó có các dự án về nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, siêu thị, về giao thông, vận tải, xây dựng trường học và thể dục, thể thao.
Trong vài năm trở lại đây gần như năm nào tỉnh cũng tiến hành hoạt động rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án cũng như việc chấp hành quy định về đấu thầu, xây dựng, đất đai và nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, tỉnh đã tiến hành thu hồi một số dự án “treo”, dự án vi phạm quy định đầu tư. Trong các cuộc họp gần đây liên quan đến đầu tư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng thể hiện rất rõ quan điểm: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư uy tín để tạo sức bật mới cho nền kinh tế, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và nghiêm khắc xử lý các dự án chây ì, nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm.
Thanh lọc môi trường đầu tư là yêu cầu quan trọng đối với một tỉnh đang có tiềm lực và thế mạnh phát triển như Thái Nguyên. Quyết tâm không để “con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là khi toàn tỉnh đang quyết tâm thực hiện mục tiêu lớn “trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.