Ngày 9-9, tại Hội trường Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của các đề án phát triển chè đến hiện trạng ngành chè Thái Nguyên, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chè giai đoạn 2021-2030. Tham dự có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Hội chè, Hội làm vườn tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè tiêu biểu trên địa bàn tỉnh (ảnh).
Từ năm 2001 đến 2020, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 4 đề án phát triển cây chè theo từng giai đoạn cùng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chè. Từ diện tích 12 nghìn ha, năng suất bình quân 56,7 tạ/ha (năm 2000), đến nay, toàn tỉnh đã có gần 23 nghìn ha chè, năng suất đạt 123,8 tạ/ha; diện tích chè giống mới chiếm gần 80%.
Chè Thái Nguyên đã được mệnh danh “đệ nhất danh trà”, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Thương hiệu danh tiếng được nhiều người biết đến nhất; được Tổ chức kỷ lục châu Á bình chọn là sản phẩm thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á; một số sản phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi ở nước ngoài.
Bà con xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hái chè chính vụ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển cây chè mới chỉ quan tâm đến khâu đầu vào; chưa có chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; số lượng hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô lớn có vùng nguyên liệu tập trung, có nhà xưởng, máy móc chế biến sâu sản phẩm chè còn ít. Ngoài ra, hiện nay, đa phần bà con vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đây chính là rào cản lớn trong quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trước thực trạng trên, các đại biểu đã đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm chè giai đoạn 2021-2030: Tập trung phát triển chè an toàn, hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến; xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; quan tâm công tác quảng bá sản phẩm…
Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu để gửi tới UBND tỉnh và các đơn vị liên quan nhằm bổ sung cơ chế, chính sách phát triển chè trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.