Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các địa phương đã chủ động phương án ứng phó. Về lâu dài, ngành chức năng đề xuất UBND tỉnh bố trí đầu tư một số công trình phòng tránh thiên tai khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đầu tháng 8 vừa qua, trận mưa lớn xảy ra tại huyện vùng cao Võ Nhai đã khiến một lượng lớn đất đá sạt lở vào nhà 2 hộ dân ở xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá; 3 hộ dân ở các xã Liên Minh, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả bị đổ tường rào. Ngoài ra, mưa cũng làm xói lở một số tuyến đường ở các xã Tràng Xá, Phú Thượng… Ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Tại một số xã trên địa bàn, bà con có tập quán định cư tại những thung lũng, dọc các khe suối, hoặc dưới chân núi, rất nguy hiểm khi lũ ống, lũ quét tràn về bất ngờ. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư và trang thiết bị gồm: 1 xuồng máy cứu sinh, 565 phao tròn, 230 áo phao, 20 bộ cọc tiêu báo hiệu, hơn 6.600 bao tải dứa, cùng nhiều vật dụng khác để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp.
Đối với Đại Từ, phương án PCTT-TKCN cũng được huyện chú trọng nhằm bảo vệ an toàn về người và tài sản, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, ven hồ Núi Cốc, cụm dân cư ven sông Công, các vùng hay bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất ở chân núi Tam Đảo, núi Hồng, núi Chúa và các mỏ khai thác khoáng sản.
Anh Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng lớp phủ thực vật và khả năng giữ nước của lưu vực. Đồng thời, khuyến cáo người dân sinh sống ở khu vực khe suối, sườn núi nâng cao tinh thần cảnh giác, đề phòng lũ ống, lũ quét có thể xảy ra.
Còn tại huyện Định Hóa, hiện tượng sạt lở, lũ quét từng xảy ra tại một số khu vực của các xã dọc trục đường quốc lộ 3C và đường Hồ Chí Minh. Trên địa bàn huyện Phú Bình, trong mùa mưa năm nay cũng xuất hiện một số đoạn sạt lở bờ sông Cầu, làm ảnh hưởng đến nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp của bà con, tập trung ở các xã như: Bảo Lý, Đào Xá, Nga My, Xuân Phương…
Có thể thấy, nguy cơ thiên tai vẫn luôn thường trực tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất, mới chỉ cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Chính vì vậy, cùng với việc nâng cao năng lực cảnh báo và chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngành chức năng cũng đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư một số công trình, dự án khẩn cấp, gồm: Khu tái định cư cho các hộ dân xóm Tân Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai); khu tái định cư cho các hộ dân xóm Chiểm, xóm Tân Tiến, xã Quân Chu và dự án ổn định dân cư tại chỗ vùng có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 6 xã: Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh, Ký Phú (Đại Từ); khu tái định cư tập trung vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét xã Kim Phượng (Định Hóa)… Khi các dự án này được chấp thuận đầu tư và triển khai xây dựng, sẽ có hàng nghìn hộ dân thoát khỏi nỗi lo khi mùa mưa bão về.