Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Lấy ý kiến đóng góp vào 2 dự án luật

17:24, 07/10/2021

Ngày 7-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).

Hội nghị đã được nghe đồng chí Đoàn Thị Hảo thông qua dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Luật CSCĐ và Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ là 2 trong 5 dự án luật được Quốc hội dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp lần này.

Pháp lệnh CSCĐ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 23/12/2013. Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 29/6/2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh CSCĐ và 14 năm triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, đến nay, đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Tại hội nghị đã có 16 lượt ý kiến tham gia đóng góp vào 2 dự thảo luật, các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung theo dự thảo, đồng thời đề nghị nghiên cứu một số nội dung như: Đề nghị xem xét quy định về chế độ chính sách đối với CSCĐ cho phù hợp; cần quy định cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền huy động lực lượng CSCĐ… Đối với nội dung xin ý kiến về hệ thống tổ chức của CSCĐ, đa số các đại biểu nhất trí với phương án quy định CSCĐ gồm 6 lực lượng (4 lực lượng được kế thừa từ Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung thêm 2 lực lượng là lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu).
 
Đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi đối với các nhà sản xuất phim sử dụng vốn ngoài ngân sách; cần quy định rõ hơn về nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; đối với việc phát hành và phổ biến phim, các đại biểu đề nghị cần tăng cường cả công tác tiền kiểm và hậu kiểm, đặc biệt là hậu kiểm, đồng thời cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm… 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị. Những kiến nghị, đề xuất sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh phân loại, tổng hợp hoàn thiện báo cáo gửi ban soạn thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp của Quốc hội tới.