Đó là một trong ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tại Hội nghị giao ban thường kỳ quý III, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2021, diễn ra ngày 19-10.
Tại Hội nghị, đại diện NHCSXH tỉnh đã báo cáo với các thành viên Ban Đại diện về những kết quả đạt được trong hoạt động 9 tháng qua, cùng một số khó khăn, hạn chế trong các chỉ tiêu, kế hoạch. Đáng chú ý là vấn đề khó tăng trưởng dư nợ cho vay (hết 9 tháng mới tăng 3,27% so với cuối năm 2020). Nguyên nhân do một số nguồn vay như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đang có xu hướng giảm (người dân không có nhu cầu vay). Trong khi đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm nhu cầu rất cao nhưng nguồn vốn lại thiếu.
Vì thế, NHCSXH tỉnh mong muốn, tỉnh sớm bố trí một phần ngân sách đối ứng để NHCSXH Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn chương trình này cho địa phương. Cùng với đó, tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa phương hiện có xu thế tăng. Thực tế này rất cần sự phối hợp nhiều hơn từ chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp trong quản lý, nắm bắt và thông tinh với NHCSXH, để có giải pháp xử lý nợ kịp thời, hiệu quả.
Sau khi nghe ý kiến đề xuất tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: NHCSXH tỉnh kịp thời tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND các cấp cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH năm 2022 để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Trung ương chuyển nguồn vốn từ những chương trình “thừa” sang chương trình thiếu nguồn vốn; tăng cường các giải pháp ngăn chặn nợ xấu từ xa; rà soát từng hộ có nợ xấu để có các giải pháp xử lý cũng như hỗ trợ phù hợp. Phấn đấu đến cuối năm, dư nợ tăng trưởng đạt trên 5% theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Tính đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý là 3.723 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 3.717 tỷ đồng, tăng gần 118 tỷ đồng, so với cuối năm 2020.