Thái Nguyên, nơi hợp lưu dòng chảy sông Công và sông Cầu đã sản sinh những con người hào kiệt, những nhân vật làm nên lịch sử. Giữa thế kỷ thứ VI, một dấu mốc đột phá trong lịch sử chống phương Bắc đô hộ của nhân dân ta, được tạo thành bởi một người ở thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên, vị Anh hùng dân tộc, người đuổi giặc Lương phương Bắc, sáng lập nước Vạn Xuân, đó là Lý Bí (Lý Bôn) - Lý Nam Đế.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Giáp Tý, Thiên Đức năm thứ 1 (tức năm 544)… Mùa Xuân tháng Giêng vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi đổi niên hiệu, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy”, để ghi nhận ý nghĩa to lớn của Cuộc khởi nghĩa Lý Bí, thành lập Nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong khoảng thời gian dài gần 15 thế kỷ, phần về quê hương đức vua Lý Nam Đế từng là những nghi vấn lịch sử. Cho đến năm 2012, cuộc hội thảo về quê hương Lý Nam Đế, với sự tham gia của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín của đất nước đã xác minh quê hương Lý Nam Đế dựa trên những luận cứ khoa học nghiêm túc và cẩn trọng. Báo cáo đề dẫn của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, phần nêu về vấn đề xác định quê hương của Vua Lý Nam Đế có đoạn: “Cuộc hội thảo lần này nhận được 6 bản tham luận của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi; Th.s Nguyễn Văn Khoa; Nhà sử học Phạm Văn Kính; Nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh và Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng. Hầu hết các bản tham luận đã dựa trên cơ sở tư liệu điền dã thực địa ở các vùng: Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp với tư liệu thần tích, thần sắc, truyền thuyết… còn lưu giữ tại các xã: Giang Xá, Lưu Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội, để đi tới nhận định: Vua Lý Nam Đế có quê gốc là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay”.
Tương truyền khi ông được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, ở thôn Cổ Pháp để nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp Tổ thiền sư về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội. Vốn thông minh sáng dạ, lại được vị thiền sư dày công chỉ bảo, đèn sách chuyên cần, Lý Bí sớm nổi danh là người tài đức, học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, ông được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Năm 542, vị danh nhân này đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương. Để rồi đến năm 544, nhằm tiết trời Xuân tháng Giêng năm Giáp Tý, ông lên ngôi, lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu là Thiên Đức, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc: Lý Nam Đế. Ông cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ; Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban Văn, Phạm Tu đứng đầu ban Võ.
Đến giữa năm 545, nhà Lương cho quân xâm lấn nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế và quan quân đã kiên cường chống giặc, vừa đánh, vừa phòng thủ củng cố lực lượng. Ông rút quân ra khỏi Long Biên, vừa chiến đấu vừa hành quân qua nhiều nơi, rồi về đóng ở vùng hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc); sau đó lui về động Khuất Lão (xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544 - 548), thọ 46 tuổi.
Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội cổ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi: “Bấy giờ các thú lệnh tàn bạo hà khắc, người Lâm Ấp cướp biên giới, vua dấy binh đánh đuổi, xưng làm Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên”. Thành Long Biên của Lý Nam Đế chính là tiền thân xưa nhất của thành Đại La, chính là kinh đô Thăng Long và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Sách Trần thư (Trung Quốc) nêu rõ: Năm 545, Lý Nam Đế đã dựng thành lũy ở cửa sông Tô Lịch để chống cự với quân xâm lược nhà Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu. Đây là công trình quân sự đầu tiên ở đây, cho thấy tầm nhìn của Lý Nam Đế về vị trí địa - quân sự của vùng đất thượng kinh sư muôn đời.
Ngoài ra, giữa lòng Hà Nội có một di tích và danh thắng nổi tiếng: Chùa Trấn Quốc, được Lý Nam Đế xây dựng sau khi lên ngôi với tên là chùa Khai Quốc, nghĩa là mở nước. Tấm bia Trấn Quốc tự bi ký (Văn bia chùa Trấn Quốc) do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn cho biết: Chùa xưa vốn ở bãi sông Nhị Hà (tức sông Hồng), dựng từ đời Lý Nam Đế gọi là chùa Khai Quốc. Khoảng niên hiệu Hoằng Định thứ 16 (năm 1616) đời Vua Lê Kính Tông (1601-1619), dân phường An Hoa (Yên Phụ) sợ đê lở, chùa đổ, mới dời chùa vào bán đảo Kim Ngư ở hồ Tây tại vị trí hiện nay. Sau này, Vua Lê, Chúa Trịnh đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Cho đến ngày nay, chùa Trấn Quốc vẫn là ngôi chùa linh thiêng nhất trong lòng người dân Hà Nội.
Đền Mục (xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên), nơi thờ tự Vua Lý Nam Đế. Ảnh T.L
Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của đức vua Lý Nam Đế, cũng là một trong những “hậu phương chiến lược”, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp Vạn Xuân. Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm: Đền Mục; chùa Hương Ấp; chùa Mãn Tăng... Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương… Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ý thức trách nhiệm với quốc gia dân tộc - đó chính là yếu tố chủ đạo, nhất quán và xuyên suốt trong lịch sử đất và người Phổ Yên. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những năm 40 của thế kỷ XX, nơi đây là địa bàn hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đặc biệt, với việc cùng Phú Bình (Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) được Xứ ủy Bắc Kỳ lựa chọn xây dựng An toàn khu II, nhân dân và các lực lượng tự vệ Phổ Yên đã hết lòng bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thành công.
Thị xã phía Nam của tỉnh Thái Nguyên được đánh giá là có vị trí vận hội và tư duy mới, cơ sở hạ tầng đồng bộ cùng kết nối giao thông thuận lợi, truyền thống lịch sử - văn hóa bản địa đặc sắc và thương hiệu hàng đầu về thu hút đầu tư. Trong những năm gần đây, thị xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, khoảng 10,97%/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 96,73% cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người trên 267 triệu đồng/năm. Phổ Yên đang phấn đấu trở thành thành phố trước năm 2025.
Trong các mục tiêu xây dựng một đô thị phát triển, thành phố động lực của tỉnh Thái Nguyên và đất nước, Phổ Yên đặc biệt quan tâm, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa. Ngày 9-5-2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1228 về việc phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên”. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 54,06ha, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2030.
Trong đó, đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng. Ngoài các hạng mục chính, còn có các hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan… Theo đề xuất của địa phương, giai đoạn 1 của Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, với tổng mức đầu tư trên 262 tỷ đồng từ ngân sách thị xã Phổ Yên và các nguồn huy động hợp pháp khác…
Nhắc đến đức vua Lý Nam Đế, thêm khắc sâu niềm tự hào về một danh nhân người Phổ Yên được yêu kính tôn thờ khắp cả một vùng, từ Thái Nguyên đến đất thượng kinh sư muôn đời Hà Nội, đến Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Phọ… Công lao của ông còn lưu danh sử sách muôn đời như khẳng định trong đôi câu đối treo ở đền Giang Xá: Thiên đức hồng cơ long tỉnh Bắc/Vạn Xuân cung quyết phượng thành Đông. (Vâng chịu mệnh trời, cơ nghiệp lớn, Rồng bay lên từ tỉnh Bắc/Dựng nước Vạn Xuân, cung điện nay, lầu phượng còn ở thành Đông).
Cách đây 15 thế kỷ, Lý Nam Đế đã thành tạo dấu mốc nền độc lập Vận Xuân, rạng danh cốt cách, trí tuệ và nhân phẩm hào kiệt đất Phổ Yên. Hôm nay, những dấu ấn mới đang tiếp tục được những cư dân trên mảnh đất này tạo dựng, nối dài những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa đã được vun đắp qua bao thế hệ, vươn lên xứng tầm là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh Thái Nguyên.
(Còn nữa)