Chiều 12-10, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình tiếp nhận ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tham dự có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là đợt thứ 3, tỉnh Thái Nguyên tổ chức hưởng ứng chương trình này.
Phát biểu mở đầu chương trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, “Sóng và máy tính cho em” là chương trình giàu ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đối với các em học sinh trên cả nước có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em ở vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện để học tập trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này Thái Nguyên vẫn đang giữ vững thành quả phòng, chống dịch, là “vùng xanh” của cả nước, tỉnh đã chia sẻ và hỗ trợ thiết thực đối với người dân chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đồng hương Thái Nguyên đang đang gặp khó khăn tại các tỉnh vùng dịch phía Nam.
Đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ hưởng ứng Chương trình.
Là hoạt động tiếp nối, mang ý nghĩa nhân văn đối với công tác giáo dục và đào tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rất cao sự hiện diện của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh tại chương trình này, sự hỗ trợ của mỗi cá nhân doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tạo động động lực rất lớn để các em học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục việc học tập trực tuyến.
Nhấn mạnh mục tiêu Thái Nguyên sẽ không có em học sinh nào không đủ điều kiện học tập trực tuyến do thiếu trang thiết bị, đồng chí kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân tiếp tục đồng hành với chủ trương này của tỉnh bằng cách ủng hộ tiền mặt, hiện vật. Tỉnh sẽ cử đơn vị đầu mối, phân công các ngành rà soát để đảm bảo thống kê đủ, đúng số lượng học sinh được hỗ trợ, đảm bảo phát huy ý nghĩa nhân văn của Chương trình.
Hưởng ứng Chương trình và lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị, doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo, qua rà soát, bước đầu thống kê trên địa bàn tỉnh có trên 14.500 học sinh, chiếm tỷ lệ trên 5,7% không đủ điều kiện học trực tuyến do thiếu thiết bị công nghệ và mạng Internet. Trong đó, trên 4.600 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác.
Qua 2 đợt hỗ trợ, đến nay đã có 374 thiết bị với kinh phí khoảng 711 triệu đồng được trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ thiết bị để học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị rà soát các điểm, khu vực chưa có hạ tầng viễn thông, điểm lõm sóng 3G,4G trong toàn tỉnh để đầu tư.