Đó là chủ đề buổi đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức ngày 30-11, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cùng chủ trì qua hình thức trực tuyến, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh).
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đứng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản… Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Giá trị gia tăng chưa cao, năng suất và thu nhập lao động nông nghiệp còn thấp, sản xuất gây tác động môi trường…
Tại buổi đối thoại, các chuyên gia cao cấp của WB, Công ty Tài chính quốc tế tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, Trung tâm Chính sách nông nghiệp Trung Quốc, chuyên gia đến từ Liên minh Châu Âu… đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị về chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp; bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh…
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xoay quanh ba trụ cột là: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cũng cần thay đổi, từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu…