Tính đến cuối tháng 10, một số nhóm ngành trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 80% chỉ tiêu sản xuất đề ra năm nay và chắc chắn sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch cả năm vì còn 2 tháng thi đua sản xuất. Riêng nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn của Thái Nguyên là chế biến, chế tạo đang duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục giữ vai trò là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong cả năm 2021. Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các DN thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển sản xuất - kinh doanh. Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 10 và 10 tháng của năm nay có những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 10 tăng 8,36% so với tháng trước và tăng 7,57% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngành: Khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt… đều tăng trưởng từ 3 đến trên 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, đến hết tháng 10, nhiều nhóm ngành trong lĩnh vực công nghiệp có khối lượng sản xuất luỹ kế tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước và đạt từ 80% đến trên 90% kế hoạch năm 2021, như: Camera truyền hình, vonfram và sản phẩm của vonfram, tai nghe, điện thương phẩm, sắt thép…
Có được kết quả này là nhờ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương cùng những giải pháp của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh rất tích cực nên hạn chế được khu vực bị phong tỏa, cách ly; duy trì các điều kiện, nguồn lực để các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định. Các dự án đầu tư mới trên địa bàn cũng được chủ đầu tư nhanh chóng tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động.
Một doanh nghiệp thép đang tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Sông Công I. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những giải pháp phát triển công nghiệp được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm. Do đó, ngay trong quý I/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng 5%. Bước sang quý II, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên bứt phá lên 12,56% và đến quý III, duy trì ổn định ở mức 12,64%. Do vậy, trong quý IV, nếu như tình hình dịch COVID-19 được khống chế, sản xuất công nghiệp duy trì ổn định thì chỉ tiêu sản xuất công nghiệp cả năm 2021 sẽ đạt và có khả năng vượt kế hoạch.
Ngoài các phương án về phát triển công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên cũng đề ra nhiều giải pháp trong xúc tiến, thu hút đầu tư; triển khai các gói kích cầu thông qua đầu tư công nên tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông tin: Phần lớn DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng không có DN nào phải ngừng hoạt động. Đối với một số DN bị phong tỏa do liên quan đến các trường hợp F0, F1, cơ quan y tế đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để DN hoạt động trở lại nhanh chóng. Cùng với đó, đã có 8 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở sản xuất để đi vào hoạt động, có sản phẩm ngay từ đầu quý IV/2021.
Đơn cử như Dự án Nhà máy Phát triển năng lượng Trina Solar chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu, khởi công xây dựng tháng 1-2021 với số vốn đầu tư 4.750 tỷ đồng đã đi vào hoạt động từ tháng 6 vừa qua. Từ đó, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh…
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu: Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt mức tăng trưởng trên 8%, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các DN, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong quý IV của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cần tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giá trị cần đạt trên 229 nghìn tỷ đồng).
Đây được đánh giá là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, trong phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương liên tục rà soát, cập nhật kết quả sản xuất công nghiệp để báo cáo và kịp thời tham mưu với UBND tỉnh về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác của ngành, liên ngành làm việc với một số DN lớn trên địa bàn để động viên, hỗ trợ kịp thời để giúp DN tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh sản xuất trong thời gian còn lại của năm...
Theo khảo sát của ngành chức năng, có 46,5% DN trên địa bàn tỉnh đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2021 có xu hướng tốt lên khi hàng hóa lưu thông thuận lợi, lãi suất tiền vay giảm. Riêng khối DN chế biến, chế tạo có 66,7% DN nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV có xu hướng tốt lên. |