Loạt dự án giao thông trọng điểm tăng tốc

06:48, 16/11/2021

Để hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông được giao làm chủ đầu tư, hiện nay, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục dự án xây dựng, sửa chữa hạ tầng giao thông đang được triển khai. Trong đó, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao làm chủ đầu tư 5 dự án.

Đây là những dự án lớn, với tổng nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, gồm: Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn từ cầu Xuân Phương, huyện Phú Bình đến nút giao Yên Bình) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT261 (đoạn từ Km1+00 đến Km20+00) có tổng mức đầu tư gần 220 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT266 (đoạn từ ngã tư Sông Công đi đường tròn Điềm Thụy) với trên 200 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT273 từ xã Hóa Thượng đi xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) trên 120 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà 170 tỷ đồng.

Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Trong số những công trình trên, có 3 dự án được triển khai từ những năm trước và 2 dự án triển khai trong năm 2021. Theo kế hoạch đã điều chỉnh, 4/5 dự án sẽ được hoàn thành, thông xe vào cuối năm 2021 (trừ Dự án nâng cấp, cải tạo ĐT266 có thời gian thi công đến tháng 4-2022). Để bảo đảm tiến độ thi công và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, đơn vị chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và nhà thầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là về giải phóng mặt bằng…

Đơn vị thi công thực hiện san gạt, lu lèn để tiến hành thảm nhựa tại Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT273.

Theo đánh giá, trên thực tế, 3 dự án triển khai từ những năm trước bị chậm tiến độ và đã được gia hạn đến cuối năm 2021, nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về mặt bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đối với Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình (Đồng Hỷ), vướng mắc về mặt bằng đã được giải quyết, đơn vị thi công đã thảm nhựa cơ bản, đến cuối năm 2021 có thể tiến hành thông xe.

Còn với Dự án cải tạo, nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà, đơn vị thi công đã thảm nhựa đối với những đoạn xây, lắp xong, còn lại khu vực đi qua xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) còn vướng mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền đền bù. Vì vậy, chủ đầu tư đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công, hoàn thành Dự án.

Ông Trần Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Dự án 1, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay: Ngoài yếu tố về mặt bằng, thời gian vừa qua, thời tiết mưa nhiều cũng là nguyên nhân khiến tiến độ thi công một số công trình bị chậm. Những ngày gần đây, thời tiết nắng ráo, chúng tôi đôn đốc các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, Dự án sửa chữa, nâng cấp ĐT261 đã giải quyết xong về mặt bằng và đường ống nước sạch đoạn qua các xã Lục Ba, Bình Thuận, Ký Phú, Cát Nê (Đại Từ) nên các nhà thầu đang tích cực thi công, nhiều đoạn đã được thảm nhựa, bảo đảm tiến độ thông xe vào cuối tháng 12-2021.

Theo kết quả đánh giá, đến thời điểm này, 3 dự án triển khai từ những năm trước đã hoàn thành thi công 85-95% khối lượng các hạng mục. Còn các gói thầu thuộc 2 dự án triển khai trong năm 2021 đạt từ 30-60% khối lượng công trình. Trong đó, Dự án cải tạo, sửa chữa, mở rộng ĐT266 có thời gian thi công được phê duyệt đến tháng 4-2022, nhưng đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang nỗ lực hết sức để có thể thông xe trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Anh Nguyễn Văn Cường, cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công hạng mục cầu vượt đường sắt thuộc Dự án trên) chia sẻ: Chúng tôi đang tập trung nhân lực, phương tiện thi công mố và móng cầu. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp vướng mắc là phải xin cấp phép làm đường tạm qua cầu vượt để tiến hành lao dầm cầu; bên cạnh đó, còn vướng về đường điện cao thế và đường cáp thông tin tín hiệu đường sắt. Để tháo gỡ vướng mắc, đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã làm các thủ tục gửi Cục Đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) và ngành Điện để khẩn trương giải quyết.

Còn ông Nguyễn Văn Thiệu, Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 2 (một nhà thầu thi công khác tham gia Dự án cải tạo, sửa chữa, mở rộng ĐT266) bày tỏ: Khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị thi công là về mặt bằng, nhưng đối với đoạn đường do Công ty chúng tôi thi công, vấn đề này đã cơ bản được giải quyết. Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương lu lèn nền đường và lắp đặt cống thoát nước…

Các dự án do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư đều là những công trình có ý nghĩa quan trọng, với nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình theo đúng kế hoạch sẽ khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương phát triển.